Câu chuyện về cổ đông chi phối PVI

17:37 | 06/07/2021

|
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) đã trở thành cổ đông lớn của PVI sau khi mua vào 13,8 triệu cổ phần PVI từ ngày 22/6 với tỷ lệ 6,19%. Đằng sau thương vụ này là câu chuyện về quyền chi phối PVI hiện nay thuộc cổ đông nào?
Câu chuyện về cổ đông chi phối PVI

Cổ đông ngoại HDI Global SE bị xử phạt hành chính:

Được biết, ngày 20/8/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản số 5106/UBCK-TT gửi công ty HDI Global SE chính thức thông báo việc vi phạm pháp luật Việt Nam về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tiếp đó vào tháng 4/2021 vừa qua, UBCKNN đã chính thức ra quyết định xử phạt hành chính HDI Global SE lên tới 185 triệu đồng do vi phạm nhiều lỗi, cụ thể như sau:

Phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 28 Nghị định 108/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do có hành vi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin.

Phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 28 Nghị định 108/2013/NĐ-CP do có hành vi vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, UBCKNN còn áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả “buộc” phải chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.

HDI không còn là cổ đông chi phối tại PVI

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) đã trở thành cổ đông lớn của PVI sau khi mua vào 13,8 triệu cổ phần PVI từ ngày 22/6 với tỷ lệ 6,19%.

Lượng cổ phần giao dịch trên trùng khớp với khối lượng cổ đông ngoại của PVI là HDI Global SE thông báo bán ra trong khoảng thời gian từ ngày 10/6 - 22/6/2021 để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 85,3 triệu cổ phiếu PVI, tương đương với tỷ lệ 38,18%. Như vậy gần như chắc chắn HDI Global SE đã sang tay toàn bộ số cổ phiếu trên cho HSC.

Cùng thời điểm, một cổ đông lớn khác của PVI là Funderburk Lighthose Ltd cũng đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PVI thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Hiện Funderburk Lighthose Ltd đang nắm giữ hơn 27 triệu cổ phiếu PVI trước khi thực hiện giao dịch, tương đương với tỷ lệ sở hữu là 12,13%. Như vậy nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PVI sau dịch sẽ giảm xuống còn 25 triệu đơn vị.

Theo thông tin của chúng tôi thì Funderburk Lighthose Ltd đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại PVI cho HDI Global SE. Như vậy có thể hiểu các giao dịch trên là nhằm thực hiện đúng quyết định xử phạt của UBCKNN. Như vậy tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PVI của HDI Global SE hiện tại chỉ còn 38,18% và không còn là cổ đông chi phối tại PVI. Điều này tạo ra lợi thế rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc giành lại quyền quản trị PVI tại Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến được tổ chức vào ngày 31/7 tới đây.

Nội dung chính tại đại hội cổ đông bất thường PVI tổ chức vào ngày 31/7: Hội đồng quản trị (HĐQT) PVI đã quyết định triệu tập Đại hội cổ đông bất thường tổ chức vào ngày 31/7/2021. Một trong những nội dung chính được bàn bạc quyết định tại đại hội cổ đông bất thường này có việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và nhân sự Tổng giám đốc PVI.

Được biết, vào thời điểm cuối tháng 7/2021 nhiệm kỳ Tổng giám đốc PVI của ông Bùi Vạn Thuận sẽ kết thúc. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phía cổ đông PVN đã hoàn thành các thủ tục nội bộ để giới thiệu với Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị PVI thực hiện các thủ tục bổ nhiệm lại ông Thuận giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI theo quy định tại điều lệ công ty. Theo quy định tại điều lệ PVI thì việc thay đổi nhân sự Tổng giám đốc PVI (nếu có) sẽ do đại hội đồng cổ đông thông qua bằng một nghị quyết trên 65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Với cơ cấu vốn như hiện nay, thì câu chuyện thay đổi CEO của PVI tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/7 là “bất khả thi”…

Ông Bùi Vạn Thuận đã gắn bó với PVI hơn 20 năm qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông Thuận đã giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI được hơn 10 năm và cũng là khoảng thời gian PVI tăng tốc phát triển trở thành doanh nghiệp đứng số 1 thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Câu chuyện về cổ đông chi phối PVI
Ông Bùi Vạn Thuận Tổng giám đốc PVI

Cổ Đông PVN sẽ làm gì để lấy lại quyền quản trị PVI?

Như vậy, sau thời điểm HDI Global SE hoàn tất việc thực hiện nội dung quyết định của UBCKNN đưa tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại PVI về dưới mức 49% đã phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải làm sáng tỏ tại PVI như: một loạt các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị… từ sau thời điểm cổ đông ngoại vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu chứng khoán trở lại đây có giá trị pháp lý không? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cổ đông lớn thực hiện quyền quản lý vốn nhà nước tại PVI cần phải tiếp tục thực hiện các bước đi pháp lý cần thiết để đảm bảo các hoạt động tại PVI phải thực hiện đúng pháp luật Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật thì PVN có thể thông qua Tòa án để yêu cầu tuyên hủy hiệu lực của một loạt các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT PVI ban hành sau thời điểm vi phạm của HDI Global SE với lập luận rằng các phiếu bầu của HDI Global SE là không hợp lệ do đã có các hành vi vi phạm về tỷ lệ sở hữu chứng khoán tại PVI.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc một cách đầy đủ các diễn biến tiếp theo tại PVI.

Nguồn: Câu chuyện về cổ đông chi phối PVI

Đức Tú- Thu Hằng

sao.baophapluat.vn