Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT tiếp 6 tháng cuối năm 2024

09:00 | 04/05/2024

|
Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% tiến dần đến hạn chót 30/06/2024, Chính phủ đã đề xuất kéo dài mức giảm này đến hết năm nay.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã có Nghị quyết đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Mới đây, Quốc hội đã trình Chính phủ về kết quả thực hiện được sau thời gian thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Qua đó, Chính phủ cho rằng để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cân nhắc tính toán phù hợp với tình hình điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm nay.

Theo đó, Chính phủ đề nghị xem xét tiếp tục giảm thuế VAT 2%, gia hạn một số loại thuế, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm ngoái là cần thiết, để tiếp tục gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp. Với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm xuống 8%, thời gian áp dụng đến hết 31/12 năm nay.

Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT tiếp 6 tháng cuối năm 2024
Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm xuống 8%, thời gian áp dụng đến hết 31/12 năm nay

Tại phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến thuế suất của các nước hiện ở mức cao, còn Việt Nam vẫn chỉ là 5-10% chúng ta chưa có lộ trình để tiếp cận dần thông lệ của quốc tế. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, những năm gần đây thuế suất thuế GTGT đã giảm chỉ còn 8%. Mức thuế hiện nay cũng là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đưa ra quan điểm, Nhà nước vẫn cần phải tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm phục hồi và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch Covid, tình hình hiện vẫn còn nhiều bất lợi.

“Ý tưởng đằng sau của việc kéo dài này xuất phát từ chính sách tiền tệ dư địa còn hạn chế, rất hy vọng sau khi áp dụng các biện pháp thì tình hình cuối năm sẽ khả quan hơn”, vị này phân tích thêm.

Tất cả các biện pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế sẽ đi liền với việc nguồn thu nhà nước bị ảnh hưởng. Dự báo, việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng). Trong 6 tháng đầu năm, việc giảm 2% thuế VAT khiến thu ngân sách giảm 23.488 tỷ đồng. Như vậy, tiếp tục giảm trong nửa cuối năm sẽ khiến ngân sách của cả năm 2024 giảm thu khoảng 47.488 tỷ đồng.

Trước đó trong giai đoạn đại dịch, năm 2020 - 2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng giá trị các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, lên tới 700.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị giải pháp đã được ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là 68.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, nói một cách khách quan, tăng trưởng GDP có xu hướng đi lên khá đều cho đến quý I/2024. Nhà nước có phần quyết liệt hơn trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, Nhà nước cũng cần linh hoạt sử dụng chính sách tài khóa, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Trong năm 2023, chính sách hỗ trợ trực tiếp tài khóa cho doanh nghiệp chưa đạt được như mục tiêu. Năm 2024, đang có dư địa để sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nên tiếp tục thực hiện các chính sách như: Giảm, miễn tiền thuế, thuê đất cho các doanh nghiệp… tức là sử dụng khả năng hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động doanh nghiệp, chứ không phải thời kỳ huy động tối đa đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách. Đây là thời kỳ rất cần dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển. Khi nợ công đang thấp, dư địa cho đầu tư công sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, tạo dư địa, môi trường tốt cho năm 2024 để thúc đẩy đầu tư.

Chia sẻ với báo chí, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng tình ủng hộ quan điểm trên. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong muốn cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế như thuế VAT trong vòng 6 tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu. Tiếp tục giảm thuế đất 50% cho các doanh nghiệp trong năm 2024, thậm chí kéo dài tới 6 tháng đầu năm 2025.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng đồng quan điểm và cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 và mở rộng phạm vi nhóm hàng hóa được giảm là hoàn toàn đúng đắn. Từ đó sẽ có tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, kích thích tiêu dùng, tác động tốt đến tăng trưởng. Cùng với đó, cần cải cách chính sách hoàn thuế VAT để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ và phòng, chống việc trốn, tránh, gian lận thuế.

​​Trong thời gian gần đây, thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả các biện pháp và chính sách tài chính đã có ảnh hưởng tích cực tới doanh nghiệp và người dân, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và trở lại cuộc sống bình thường, đồng thời góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Nguồn: Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT tiếp 6 tháng cuối năm 2024, chuyên gia nói gì?

Vũ Thu Hường

kinhte.congthuong.vn