Chuyển dịch năng lượng: Hệ quả khi OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ
|
Quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đối tác, gọi tắt là OPEC+, về kế hoạch thúc đẩy sản lượng dầu có thể khiến ngành năng lượng gặp nhiều biến động. (Ảnh minh hoạ) |
Với kế hoạch bổ sung 548.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng 8 và khả năng tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 9, tốc độ gia tăng này đã khiến giá dầu tương lai giảm, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi mới về hướng đi của các nỗ lực chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.
Kế hoạch gia tăng sản lượng diễn ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế vẫn đang vật lộn với lạm phát, khiến năng lượng giá rẻ trở thành một tín hiệu tích cực đối với cả chính phủ và các hộ gia đình.
Tuy nhiên, tác động của quyết định này đối với thị trường năng lượng có thể sẽ vượt xa vấn đề giảm giá và dẫn đến nhiều hệ quả tức thì đối với khí hậu.
Khi các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, quyết định của OPEC+ có nguy cơ gây gián đoạn tiến trình này và làm suy yếu đà đầu tư vào năng lượng xanh.
Thị trường chững lại trước các mục tiêu chính trị
OPEC+ quyết định từ bỏ kế hoạch nới lỏng dần các hạn chế về sản lượng cho thấy một sự thay đổi mang tính chiến lược.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người lâu nay chỉ trích giá năng lượng cao - diễn biến này mang lại lợi ích chính trị rõ rệt, giúp giảm chi phí nhiên liệu trong một năm nhiều bất ổn về kinh tế.
Tuy nhiên, quyết định này lại làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới sẽ đối mặt với nguồn cung dư thừa tương đương 1,5% nhu cầu toàn cầu vào quý IV năm 2025.
Bất chấp triển vọng này, Ả Rập Xê-út vẫn tăng giá dầu thô đối với các khách hàng châu Á.
Động thái này cho thấy Riyadh kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích lại đặt nghi vấn về góc nhìn lạc quan của quốc gia này.
Việc tăng giá trong bối cảnh dự báo dư cung có thể khiến thị trường chịu thêm áp lực, nếu nhu cầu tiêu thụ không theo kịp.
“Việc công bố đưa dầu trở lại thị trường là một chuyện, nhưng nguồn cung thực tế so với các con số công bố lại là chuyện khác”, Doug King, Giám đốc điều hành RCMA Capital LLP, nhận định.
Đánh giá của ông phản ánh mối quan ngại rộng hơn: tình trạng thực tế của thị trường, đặc biệt là mức chênh lệch giá dầu diesel và lượng hàng tồn kho thấp - có thể không đủ cơ sở để biện minh cho kỳ vọng giá giảm.
Doug nhận định: “Mức chênh lệch giá dầu diesel cho thấy thị trường đang thiếu nguồn cung. Vì vậy, trừ khi chúng ta chứng kiến mức suy yếu rõ rệt thông qua việc lượng hàng tồn kho thực tế tăng lên, tôi không thấy có lý do gì để giá dầu thô giảm sâu”.
Chính sách khí hậu bị bỏ ngỏ
Nếu nguồn cung ngắn hạn tăng có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, thì ngược lại, các chiến lược khí hậu lại đứng trước nguy cơ bị bỏ ngỏ.
Đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực thúc đẩy cắt giảm nhiên liệu hóa thạch trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc lần thứ 29 (COP29), việc OPEC+ tăng mạnh sản lượng đã tái khẳng định vai trò trung tâm của dầu mỏ trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.
Đây là một thách thức đối với tiến trình khử carbon, đặc biệt khi giá dầu rẻ làm giảm sức hút đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.
Dự báo từ Goldman Sachs và JPMorgan cho thấy giá dầu có thể giảm xuống dưới 60 USD/thùng. Ở mức giá này, nhiều dự án năng lượng sạch không còn hiệu quả về mặt tài chính.
Thêm vào đó, biến động giá cả làm gia tăng rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư vốn đã phải xoay xở với những biến động về các khung chính sách và sự chậm trễ trong hành động pháp lý.
Trong khi đó, kế hoạch chuyển đổi kinh tế của Ả Rập Xê-út - do Thái tử Mohammed bin Salman dẫn dắt - đang phụ thuộc phần lớn vào mức giá dầu duy trì trên 90 USD/thùng.
Khi giá dầu giảm, thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng có thể buộc vương quốc này phải cắt giảm chi tiêu, đe dọa đến các dự án quốc gia trọng điểm.
Áp lực tài chính này có thể làm đảo chiều nhiều chính sách, nhưng OPEC+ vẫn giữ vững mục tiêu duy trì thị phần, ngay cả khi điều đó phải đánh đổi bằng cam kết khí hậu.
“Hiện tại, thị trường dầu vẫn ở trạng thái khan hiếm, cho thấy nó có thể hấp thụ thêm nguồn cung”, ông Giovanni Staunovo, Chuyên gia phân tích hàng hóa kiêm Giám đốc đầu tư tại UBS, cho biết.
“Tuy nhiên, các rủi ro đang không ngừng gia tăng - như căng thẳng thương mại kéo dài - cho thấy thị trường có thể sẽ không còn khan hiếm trong 6-12 tháng tới, điều này sẽ tạo áp lực giảm giá”, một chuyên gia nhận định.
Ngã rẽ của thị trường và tương lai năng lượng
Quyết định gia tăng sản lượng dầu khiến bức tranh thị trường càng trở nên phức tạp.
Lượng tồn kho dầu diesel tại Mỹ đang giảm, trong khi nhu cầu đi lại mùa hè tăng cao, mang lại sự hỗ trợ ngắn hạn cho giá dầu.
Tuy nhiên, nhu cầu suy giảm từ phía Trung Quốc, căng thẳng thương mại gia tăng và các yếu tố chính trị chi phối nguồn cung có thể nhanh chóng đảo ngược đà tăng giá.
Điều này khiến thị trường rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”, không hoàn toàn làm dư thừa nguồn cung, nhưng cũng không thực sự cân bằng.
“Họ vẫn có khả năng thay đổi chính sách bất cứ lúc nào”, theo ông Neil Atkinson, nhà phân tích năng lượng độc lập và cựu Giám đốc bộ phận Thị trường và Công nghiệp Dầu mỏ tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
“Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo thị phần và chấp nhận mức giá thấp hơn. Tốt hơn hết là chấp nhận thế giới như nó vốn là và đó cũng chính là điều mà họ đang làm”.
Tuy nhiên, khi lượng dầu tồn kho vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng rõ rệt, thị trường vẫn tiếp tục trong trạng thái bất định.
Hiện không có nhiều dấu hiệu về một đợt cắt giảm sâu hơn, vì vậy, vẫn chưa thể kết luận về nguy cơ xảy ra biến động mạnh trong thời gian tới.
Nguồn:Chuyển dịch năng lượng: Hệ quả khi OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ
Anh Thư
nangluongquocte.petrotimes.vn
-
G-Dragon mệt mỏi vì concert?
-
Lisa (BLACKPINK) để lộ hình xăm mới gây "bão" mạng
-
Nhận định bóng đá, dự đoán trận U23 Việt Nam vs U23 Campuchia: Vé bán kết trong trong tầm tay
-
Bão Wipha mạnh lên giật cấp 12, tốc độ khoảng 15km/h
-
Tử vi tuần mới (21-27/7/2025): Tuổi Tý năng lượng tràn đầy, tuổi Dậu đạt được mục tiêu
-
Phan Như Thảo xuất hiện rạng rỡ, tự tin sau khi tăng gần 20kg
-
Lai Châu: Ứng dụng nền tảng số quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
-
Petronas tăng cường khả năng chuyển dịch năng lượng
-
Hé lộ dàn khách mời đình đám "đổ bộ" đám cưới Selena Gomez
-
Tử vi tuần mới (14-20/7/2025): Tuổi Thìn may mắn ghé thăm, tuổi Tỵ thu nhập tăng tiến
-
“Một chạm” để tận hưởng ngàn ưu đãi cùng PVcomBank
-
Sông Lam Nghệ An bất ngờ chia tay sao trẻ
-
Taylor Swift, Selena Gomez gây sốt với phong cách thập niên 70
-
Lai Châu: Chi đoàn BIDV Chi nhánh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
-
Cuộc sống của ngôi sao "Hoàn Châu cách cách" Lâm Tâm Như