Chuyện phụ thu ngày Tết

06:35 | 02/02/2025

|
Tết năm nào cũng xảy ra chuyện người dân đi ăn uống trong dịp Tết bị nhiều hàng quán “chặt chém” đã thành lệ.

Mấy ngày đầu xuân Ất Tỵ, cả cộng đồng mạng rôm rả với câu chuyện 4 bát bún riêu giá 1,2 triệu đồng. Tính sơ qua thì cửa hàng này tính phụ thu, đẩy giá bát bún lên gấp 10 lần ngày thường. Có lẽ đây là trường hợp khá "đột biến" ở một vài hàng quán vỉa hè. Nhưng dù đang trong dịp nghỉ Tết nhưng chắc chắn những ngày tới còn nhiều vụ việc tương tự tăng giá gấp 3-4 lần bình thường.

Phụ thu

Một bán bún, bánh đa mà thu tới 400.000 đồng?

Theo tìm hiểu, việc thu phí dịch vụ hay "chặt chém" giá cả người dân dịp Tết vốn chẳng phải là câu chuyện xa lạ, từ tiền giữ xe, bát bún, đến chai nước bán mang đi... Tuy nhiên tăng giá bao nhiêu, thu thêm bao nhiêu là chuyện khách hàng cần được biết trước khi sử dụng dịch vụ. Điều này thì rất nhiều nhà hàng, quán cà phê lớn đã tuân thủ khi ghi rõ thông báo phụ phí dịp Tết đến khách hàng, nhiều nơi còn kèm theo cả các món quà nhỏ, phong bao lì xì cho khách hàng thân quen. Nhưng các quán hàng rong, vỉa hè chỉ bán dịp Tết thì… chắc chắn là không.

Trong trường hợp việc tăng giá, phụ thu không được niêm yết cụ thể thì có thể xem là hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP). Các hành vi này có thể vị xử lý hành chính từ 500.000 - 40.000.000 đồng. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo quy định trên thì các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vào dịp Tết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu không thực hiện niêm yết giá tại địa điểm niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đúng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Mức phạt sẽ tăng tới 5.000.000 đồng nếu có hành vi bán với giá cao hơn so với mức giá được niêm yết, tối đa lên đến 40.000.000 đồng khi bán hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc Danh mục có điều kiện.

Khi vi phạm thì ngoài việc bị phạt tiền, cơ sở kinh doanh vi phạm cũng buộc phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn mức giá đã niêm yết.

Ngoài ra, Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP cũng quy định mức phạt khi có hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền là từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được tính phụ thu là 50.000.000 đồng.

Phụ thu

Chuyện phụ thu dịp Tết hợp lý sẽ được khách hàng ủng hộ và thêm gắn bó với nhà hàng, quán ăn.

Hiện nay, để xử lý việc phụ thu phí dịch vụ hay tăng giá hàng hóa, dịch vụ trong ngày Tết không hề đơn giản bởi không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng đăng ký, thông báo giá niêm yết cho các cơ quan chức năng. Đặc biệt trong những năm gần đây có rất nhiều hàng quán tại Hà Nội chỉ kinh doanh kiểu “chụp giật” trong vài ngày Tết. Đó là chưa nói đến tình trạng an toàn thực phẩm, chất lượng các món ăn, đồ uống kém xa ngày thường.

Rất mong các ban ngành liên quan cần nghiêm túc xem xét, xử lý tình trạng này để nhà nhà người người đón Xuân, vui Tết thật an toàn, bình an.

Nguồn:Chuyện phụ thu ngày Tết

Bùi Công

petrotimes.vn