Chuyện “thưởng” và “thưởng nóng”

14:41 | 27/04/2022

|
“Thưởng nóng”, hiểu một cách bỗ bã, là tùy hứng mà chẳng có quy định nào cả…
Cận cảnh huy chương Vàng SEA Games 31 được mạ vàng 24kCận cảnh huy chương Vàng SEA Games 31 được mạ vàng 24k
Hòa Nhật Bản, tuyển Việt Nam nhận thưởng nóng 1,5 tỷHòa Nhật Bản, tuyển Việt Nam nhận thưởng nóng 1,5 tỷ
Chuyện “thưởng” và “thưởng nóng”

SEA Games 31 đang đến gần và sự kiện không chỉ là ngày hội thể thao của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Với các vận động viên, SEA Games là thời điểm họ được tranh tài, thể hiện mình, nhưng ở góc độ cuộc sống, họ còn có thể kiếm thêm thu nhập từ thành tích đạt được.

Gần đây, chuyện “thưởng” và “thưởng nóng” đang trở thành một trong những chủ đề được nói tới nhiều và thu hút sự quan tâm của các vận động viên cũng như dư luận. Tuy nhiên, dường như đang có sự nhầm lẫn trong cách hiểu về khái niệm chung của chuyện thưởng.

Hiểu sơ sơ thế này, khi phải đưa ra tập thể để bàn bạc, thảo luận, thì việc thưởng đó gọi là “khen thưởng”, có quy định cụ thể. Như Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính Phủ (ngày 7.11.2018) Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì phần thưởng nêu rõ, mỗi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được thưởng lần lượt 45 triệu đồng, 25 triệu đồng, 20 triệu đồng.

Trong khi đó, “thưởng nóng” là cách diễn đạt về việc thưởng lập tức ngay sau khi đạt được thành tích, không cần phải đợi bình xét. Nôm na là thưởng ngẫu hứng, thích thưởng bao nhiêu thì thưởng, thậm chí, có thể thưởng bằng cả hiện vật, nếu tổ chức, cá nhân nào đó có điều kiện. Chẳng hạn như Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới “thưởng nóng” cho câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai 400 triệu đồng sau 2 trận đấu mà họ đã thể hiện tốt trước đối thủ mạnh là Jeonbuk của Hàn Quốc tại AFC Champions League.

“Thưởng nóng” có thể cao hơn, có thể thấp hơn mức quy định chung của vấn đề khen thưởng, khi mà việc thưởng này mang tính động viên, khích lệ vì những nỗ lực của các vận động viên, tập thể. Thế nên, đưa ra “khung” cụ thể cho việc thưởng nóng - như thông tin cho biết là 10 triệu, 7 triệu và 5 triệu đồng với huy chương vàng, bạc, đồng ở SEA Games năm nay - thì lại không còn ý nghĩa của “thưởng nóng” nữa.

Ngoài ra, cũng có thể dẫn đến sự thiệt thòi đối với các vận động viên thi đấu ít nội dung so với vận động viên dự nhiều nội dung cùng khả năng chiến thắng cao. Cũng như vậy, liệu có công bằng khi thành tích ở các môn Olympic hoặc những môn phải thi đấu vất vả hơn, dài hơi hơn cũng có mức thưởng chung như vậy?

Tất nhiên, không phải chuyện “thích ai hơn thì thưởng nhiều hơn” (cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân có thể làm điều đó), nhưng “thưởng nóng” cũng cần hiểu cho rõ và thực hiện hợp lý.

Nguồn: Chuyện “thưởng” và “thưởng nóng”

Lê Vinh

laodong.vn