Cơ hội cho hàng Việt khi ngành bán lẻ "tăng tốc"

09:05 | 21/08/2024

|
Thời gian gần đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ liên tục mở mới điểm bán, đem tới cơ hội cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa. Cùng với đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay là đa dạng hóa các mặt hàng bán lẻ, đẩy mạnh kênh bán hàng online cũng là cơ hội cho hàng Việt chiếm thị phần nếu nắm bắt được thời cơ.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ liên tục mở mới điểm bán, đem tới cơ hội cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa. Cùng với đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay là đa dạng hóa các mặt hàng bán lẻ, đẩy mạnh kênh bán hàng online cũng là cơ hội cho hàng Việt chiếm thị phần nếu nắm bắt được thời cơ.

Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc

Tăng trưởng của ngành bán lẻ được xem là có đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế. Năm 2023, doanh thu bán lẻ trên toàn cầu ước tính đạt 29,6 nghìn tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022. Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì mức 3-4% trong giai đoạn 2025-2027.

Tại Việt Nam, bán lẻ là một trong những ngành quan trọng, quy mô thị trường đạt xấp xỉ 250 tỷ USD năm 2023 và kỳ vọng đạt khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025, duy trì đóng góp trên 60% GDP cả nước.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Cơ hội cho hàng Việt khi ngành bán lẻ "tăng tốc"
Tăng trưởng của ngành bán lẻ được xem là có đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.

Đây là những kết quả tích cực đạt được khi thị trường bán lẻ từ đầu năm đến nay đón nhiều tin vui với sự ra mắt của nhiều cửa hàng mới đến từ các tên tuổi quen thuộc và uy tín như Co.op Mart, Winmart, Bách Hóa Xanh, FPT Shop …liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ.

Cuối tháng 7/2024, Co.op Smile - mô hình cửa hàng bách hóa hiện đại trực thuộc hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã liên tiếp đưa vào hoạt động 6 cửa hàng Co.op Smile nâng tổng số điểm bán của Co.op Smile trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lên 108 cửa hàng. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, theo kế hoạch, ngoài hệ thống cửa hàng hiện hữu, từ nay đến cuối năm 2024 mở thêm nhiều cửa hàng Co.op Smile qua đó hiện thực hóa mục tiêu đạt tổng số 900 điểm bán của Saigon Co.op trong năm 2024.

Tương tự, để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng, trong nửa đâu năm 2024, WinCommerce (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart+/WiN) đã mở mới 91 cửa hàng WinMart+/WiN, đồng thời chuyển đổi 236 cửa hàng WinMart+ sang mô hình cửa hàng WiN. Tổng Giám đốc WinCommerce Nguyễn Thị Phương chia sẻ, công ty đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong những tháng cuối năm 2024 với khoảng 100 cửa hàng minimart mới trong mỗi quý, tương đương với việc mỗi ngày mở trung bình 1 cửa hàng, qua đó đạt mục tiêu có 4.000 cửa hàng trong năm 2024.

Thực tế cho thấy, thời gian qua không chỉ hệ thống kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu mới mở rộng hệ thống bán lẻ mà các siêu thị điện máy cũng trong tình trạng tương tự. Đơn cử, đầu thang 8/2024, FPT Shop đã đồng loạt khai trương 10 cửa hàng điện máy tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang...

Phó Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Việt Anh kỳ vọng trong năm 2024 sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số cửa hàng điện máy FPT Shop trên toàn quốc lên 50 cửa hàng qua đó khẳng định thị trường có thêm một chuỗi cửa hàng điện máy, đồ gia dụng mới.

Cơ hội cho hàng Việt

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam với 100 triệu dân là hấp dẫn cho lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, dẫn đến làn sóng đầu tư vào thị trường này tiếp tục “nóng” thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường này cũng có sự cạnh tranh rất gay gắt bởi có nhiều DN tham gia, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên sự thuận tiện khi mua hàng cũng như tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và tìm kiếm giá trị mới của sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận xét, doanh nghiệp bán lẻ đang phải cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đến mua sắm tại các kênh hiện đại. Theo đó, những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt có tốc độ tăng trưởng cao.

“Những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng có sự tăng trưởng rất phù hợp. Bên cạnh đó, có những sản phẩm hiện tăng rất cao, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đây là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ mà còn với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm”, ông Đức nói và cho biết trong năm 2024, Saigon Co.op sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa các kênh phân phối theo hướng đa kênh và tận dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.

Cơ hội cho hàng Việt khi ngành bán lẻ "tăng tốc"
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đang là đa dạng hóa các mặt hàng bán lẻ, đẩy mạnh kênh bán hàng online.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.

Dưới góc độ cơ quan quản lý thị trường bán lẻ, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga nêu rõ, điều đáng nói trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa là hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. “Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Nga nêu ví dụ.

Trước hiện tượng các doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống siêu thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt bởi mỗi cửa hàng, siêu thị sẽ tạo điều kiện cho hàng chục ngàn sản phẩm, hàng Việt có nơi trao đổi, mua bán trực tiếp với người tiêu dùng bởi những siêu thị nội đều có những chính sách ưu tiên cho hàng Việt trên quầy kệ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa.

“Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và quan trọng hơn cả là sản phẩm phải có yếu tố xanh”- bà Hậu nêu rõ.

Nhìn nhận về lợi ích mà thị trường nội địa mang lại trong quá trình tiêu thụ hàng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế) nhận định, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Để tạo động lực cho thị trường nội địa các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, tạo ra sự khác biệt trong quá trình phục vụ, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp sản xuất cần bắt tay với nhà phân phối đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý một cách nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu”-ông Long hiến kế.

Nguồn:Cơ hội cho hàng Việt khi ngành bán lẻ "tăng tốc"

Hồng Quang

thuongtruong.com.vn