Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP: Thực tập sinh không đủ điều kiện sức khỏe vẫn bị ép đi xuất khẩu lao động

12:18 | 20/06/2021

|
Xuất khẩu lao động luôn được xem là con đường giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tìm được một công việc tốt, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, phía sau những “giấc mơ” đổi đời đó luôn tồn tại nhiều mảng tối.

Bỏ qua điều kiện sức khỏe

Đầu năm 2021, chị N.T.L ở Bắc Giang đã quyết tâm vay mượn gia đình và họ hàng một khoản tiền lớn để có thể sang Nhật Bản làm việc, tăng thêm thu nhập. Nghe lời giới thiệu từ bạn bè, chị N.T.L đã nộp hồ sơ và đặt cọc tiền cho Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP (HR.LABCOOP) tại Hà Nội và bước đầu thi đỗ đơn hàng.

Tuy nhiên, khi hoàn tất các bước khám sức khỏe để chuẩn bị cho việc học tiếng Nhật tại HR.LABCOOP thì chị N.T.L nhận được kết quả không đạt yêu cầu về mắt, cụ thể chị mắc bệnh mù màu (một bệnh rối loạn sắc giác, người bệnh không phân biệt được hoặc không nhìn thấy một màu sắc nhất định) và cận thị nặng.

Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP: Thực tập sinh không đủ điều kiện sức khỏe vẫn bị ép đi xuất khẩu lao động
Email thông báo kết quả khám sức khỏe của chị L (Kết quả: Loại mắt). Bệnh về mắt của chị L thuộc 13 nhóm bệnh không đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động Nhật Bản được quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ LĐ, TB & XH - Bộ Tài Chính số 10/2004.

Lo lắng bản thân sẽ gặp khó khăn khi làm việc tại Nhật Bản cùng lời khuyên từ gia đình, chị L đã quyết định sẽ tạm dừng dự định sang Nhật, nhưng phía công ty này lại một mực “gây sức ép” yêu cầu chị đóng tiền để tiếp tục khóa học.

Chia sẻ với nhóm PV, chị L đã liên tục phản hồi sẽ rất rủi ro cho chị nếu bên nghiệp đoàn Nhật Bản phát hiện chị có bệnh, nhưng phía công ty luôn khẳng định không có vấn đề gì và sẽ “lo được” cho chị.

Câu hỏi người lao động đặt ra, có hay không việc HR.LABCOOP cố tình “quên’’ những yêu cầu bắt buộc về mắt đối với người XKLĐ Nhật Bản; hay công ty này sẵn sàng làm sai lệch hồ sơ bệnh án để “qua mặt” nghiệp đoàn Nhật Bản?.

Tài chính thiếu minh bạch

Theo quy định và thỏa thuận chung giữa Việt Nam và Nhật Bản, các công ty XKLĐ chỉ được phép thu các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Tuy nhiên, số tiền mà chị L được HR.LABCOOP thông báo sẽ phải chi trả trọn gói lên đến 7.200 USD (chưa phụ phí).

Ngoài ra, mọi giấy tờ thu chi tại công ty này đều rất “mập mờ”. Ngay cả khi từ chối tham gia và trình bày bản thân đang ở trong vùng có dịch, chị L vẫn liên tục nhận được điện thoại yêu cầu chị đi từ Bắc Giang xuống Hà Nội để đóng thêm 800$ phí học tiếng, nếu không chị L sẽ mất khoản tiền đã cọc là 10.000.000 VND.

Qua tìm hiểu, phần lớn học viên đang theo học tại HR.LABCOOP đều phải chi trả các khoản phí gấp 2-3 lần so với quy định. Để có thể chi trả nhiều khoản phí lớn, rất nhiều lao động phải thế chấp nhà cửa hoặc chấp nhận vay mượn với lãi suất cao.

Đặc biệt, mọi khoản phí mà học viên đóng tại trung tâm này đều không có biên lai, hóa đơn chính thức. Đây được cho là phương thức mà các công ty xuất khẩu lao động thường sử dụng để tránh bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện; đồng thời dễ dàng phủ nhận trách nhiệm với người lao động khi có sự cố xảy ra.

Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP: Thực tập sinh không đủ điều kiện sức khỏe vẫn bị ép đi xuất khẩu lao động
Phiếu thu tiền cọc đơn hàng mà người lao động đã nộp tại văn phòng Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP.
Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP: Thực tập sinh không đủ điều kiện sức khỏe vẫn bị ép đi xuất khẩu lao động
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý nhà nước khiến các công ty xuất khẩu lao động thu phí vượt quá quy định trong thời gian dài (7.000 - 8.000 USD/lao động. Nhưng HR.LABCOOP vẫn mang tới người lao động các gói báo giá cao hơn rất nhiều so với quy định.

Cơ sở vật chất có đủ điều kiện?

Một số thực tập sinh đang được đào tạo tại HR.LABCOOP cho biết, hiện phần lớn học viên không được tiếp cận phòng học, chỗ ăn nghỉ giống như website của trung tâm này đăng tải, giới thiệu về cơ sở vật chất & hạ tầng đã có.

Theo tìm hiểu của nhóm PV, Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP đang hoạt động tại rất nhiều địa chỉ mà công ty này đăng tải như: Trụ sở chính, đường Giảng Võ, quận Đống Đa; Văn phòng giao dịch tại Cụm công nghiệp Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm và Trung tâm tư vấn & tiếp nhận hồ sơ, tại Phạm Thận Duật, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài ra, một Trung tâm Đào tạo & XKLĐ - Chi nhánh thuộc HR.LABCOOP cũng được công ty này đăng ký tại Bắc Giang.

Để “yên lòng” những thắc mắc về cơ sở vật chất của học viên, phía công ty LABCOOP đã thông báo sẽ đưa vào hoạt động một Trung tâm đào tạo mới tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội trong thời gian tới.

Câu hỏi chúng tôi đặt ra, trong nhiều năm hoạt động, đâu là trung tâm đào tạo với đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của một Trung tâm tư vấn du học & xuất khẩu lao động mà HR.LABCOOP đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và quảng cáo tới học viên.

Với mong muốn mang lại công bằng cho người lao động, Nhóm PV kính đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra, kiểm tra có hay không việc cố tình yêu cầu & gây sức ép để một thực tập sinh không đủ điều kiện về mắt phải tiếp tục theo học; bỏ qua quy định về sức khỏe người lao động; thu phí quá quy định hiện hành và không đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho người lao động của Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

(Kỳ 2: HR.LABCOOP: Tổ chức thi tuyển vi phạm quy định phòng dịch)

Nguồn: Công ty cổ phần nhân lực quốc tế LABCOOP: Thực tập sinh không đủ điều kiện sức khỏe vẫn bị ép đi xuất khẩu lao động

Nhất Thanh

kinhdoanhvabienmau.vn