Đà Nẵng: Phát huy giá trị di tích đền thờ Thoại Ngọc Hầu

19:15 | 18/08/2023

|
Vừa qua, HĐND thành phố ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Khu công viên phía tây Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đúng dịp kỷ niệm 194 năm ngày mất của danh thần (1829-2023). Đây là tin vui đối với người dân vùng đất An Hải nói riêng và Đà Nẵng nói chung trước sự ghi nhận công lao đóng góp của bậc danh tướng nhà Nguyễn một thời lừng lẫy.
Đà Nẵng: Ra mắt mô hình Đà Nẵng: Ra mắt mô hình "Phối hợp tuần tra bảo đảm an ninh trật tự du lịch biển"
Đà Nẵng: Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ốc bươu đenĐà Nẵng: Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ốc bươu đe
Đà Nãng: Phát huy giá trị di tích đền thờ Thoại Ngọc Hầu
HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết đầu tư dự án Khu công viên phía tây Đền thờ Thoại Ngọc Hầu với tổng mức gần 71 tỷ đồng. Ảnh: D.N

Theo thông tin từ UBND quận Sơn Trà cung cấp, Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), người xóm An Trung, làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Cha mất sớm, ông cùng hai em theo mẹ vào sống tại làng Thới Bình trên cù lao Dài, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thời nhà chúa Nguyễn Ánh, ông lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Đến đời Minh Mạng, ông vâng lệnh vua đào các con kênh, đem lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng cho miền đất Hậu Giang nói riêng, Tổ quốc nói chung.

Với công trạng hiển hách, nhưng ông vẫn chung lòng hướng về quê hương để cùng các họ tộc chăm lo đời sống người dân. Năm 1827, ông góp công rất lớn trong việc tái lập chợ An Hải theo nguyện vọng của nhân dân làng An Hải quê ông và các làng lân cận Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An bên hữu ngạn sông Hàn; bên cạnh đó lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền ở nơi chôn nhau cắt rốn... Để tưởng nhớ công lao của ông đối với quê hương, đất nước, dân làng An Hải tôn vinh ông là Hậu hiền và thờ ông trong nhà thờ cùng với các vị Tiền hiền. Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 3-2009 trong khuôn viên rộng 4.250m2. Hằng năm, đến ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch, dân làng An Hải tổ chức lễ kỵ Tiền hiền tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2007. Đến nay, chính quyền thành phố vẫn luôn quan tâm ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đối với thế hệ con cháu mai sau. Trong kỳ họp HĐND thành phố vừa qua đã thông qua nghị quyết đầu tư dự án Khu công viên phía tây Đền thờ Thoại Ngọc Hầu với tổng mức gần 71 tỷ đồng. Cụ thể, dự án sẽ hình thành cụm công viên cảnh quan, vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe, cùng các tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, du khách; đồng thời kết hợp với đền thờ Thoại Ngọc Hầu hình thành cụm điểm nhấn văn hóa lịch sử tại khu vực. Điểm đặc biệt là ở không gian dự án khu công viên phía tây đền thờ Thoại Ngọc Hầu có thiết kế mặt nước xuyên suốt kết nối theo hướng Đông - Tây với ý nghĩa mô phỏng kênh Vĩnh Tế nhằm tái hiện công lao khai phá của ngài Thoại Ngọc Hầu; bắc qua con kênh là một cây cầu nhỏ nằm ở phía đông, nối 2 bờ cảnh quan có phong cách và không gian kiến trúc khác nhau. Đáng chú ý, tại công viên ở mép ranh giới tường của di tích đền thờ sẽ có một bức phù điêu khắc họa tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp và công lao của danh thần này. Về tiến độ thời gian, công trình được thực hiện từ nay đến năm 2025.

Trước thông tin địa phương triển khai dự án này, nhiều người dân địa phương bày tỏ vui mừng. Em Trần Thị Như Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Ở bậc tiểu học, bản thân em được học tập trong ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Thoại nên luôn tự hào về những đóng góp rất lớn của ông đối với đất nước. Thỉnh thoảng em và các bạn cũng đến Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu để tìm hiểu thêm về lịch sử văn hóa vùng đất An Hải xưa kia cũng như công trạng của danh tướng này. Em nghĩ đây chính là địa điểm lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ như em và mai sau. Tuy nhiên, hiện nay đa phần chỉ người dân sinh sống tại đây mới biết khu di tích này nên em muốn nhiều người dân Đà Nẵng và du khách hiểu rõ hơn nữa về những đóng góp của ông đối với đất nước).

Còn ông Lê Hà, một người lớn tuổi sống trên đường Hà Thân (gần nhà thờ Tiền hiền làng An Hải) cho biết, nhà cửa của người dân ở khu vực này được xây dựng nhiều năm nên cũ kỹ và đang xuống cấp nghiêm trọng. Một số người dân buôn bán tập kết phế liệu nên dù nằm sát địa điểm đến tâm linh, du lịch nhưng khu đất có nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường. “Chúng tôi mong muốn công trình sớm đầu tư và hoàn thành để có thêm một điểm tham quan cho người dân và du khách. Qua đó nhằm tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi, khai phá đất đai; đồng thời cũng là dịp để nhân dân hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống tâm linh, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”, ông Hà cho hay.

Nguồn: Phát huy giá trị di tích đền thờ Thoại Ngọc Hầu

Diệp Như

baodanang.vn