Đà Nẵng: Phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

05:15 | 26/05/2024

|
Du lịch nông nghiệp đang ngày càng thu hút người dân địa phương và du khách đến trải nghiệm; đồng thời tạo ra việc làm cho người dân địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm các tiêu chí để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Đà Nẵng: Giữ gìn môi trường sông, biển sạch đẹpĐà Nẵng: Giữ gìn môi trường sông, biển sạch đẹp
Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanhĐà Nẵng: Phát triển du lịch xanh
Về với thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động thực tế đang được nhiều người dân và du khách lựa chọn.  Trong ảnh: Du khách vui chơi, chụp hình tại Nông trại Sen. Ảnh: THU HÀ
Về với thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động thực tế đang được nhiều người dân và du khách lựa chọn. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi, chụp hình tại Nông trại Sen. Ảnh: THU HÀ

Những ngày cuối tuần, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại các xã của huyện Hòa Vang trở thành điểm đến lý tưởng của người dân địa phương và du khách đến trải nghiệm, vui chơi. Tại Nông trại Sen (thôn Trường Định, xã Hòa Liên), các con chị Trương Thùy Nga (quận Hải Châu) được xem ong làm mật, ươm mầm các cây con, chơi các trò chơi vận động ngoài trời... rất thích thú. Chị Nga chia sẻ, các con được vui chơi, khám phá thiên nhiên tươi đẹp là điều rất bổ ích, kích thích tính tò mò, khám phá của trẻ em. Mong rằng trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nhiều điểm trải nghiệm như thế này để các con đến vui chơi, học tập.

Nông trại Sen đang là một trong những điểm du lịch được nhiều gia đình, nhóm học sinh, sinh viên lựa chọn đến để học tập, trải nghiệm. Tại đây có nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên như lội suối bắt cá, chơi các trò chơi dân gian, leo cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, tham gia các phiên chợ nông sản… Anh Đặng Thái Lâm, Giám đốc HTX Trường Định (Nông trại Sen) cho biết, với diện tích khoảng 10ha được phân thành các khu vực: trồng sen, trồng rau sạch, nuôi ong, nuôi gà, nuôi cá… đều thiết kế theo kiểu gần gũi với thiên nhiên nhất.

“Chọn phát triển du lịch từ nông nghiệp địa phương, Nông trại Sen sử dụng 100% lao động tại địa phương (hơn 10 lao động), tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Để phát triển bền vững, nông trại hướng đến các trải nghiệm của du khách, giúp khách cảm nhận được nét dung dị, mộc mạc của đồng quê, giữ gìn các nét văn hóa của địa phương thông qua các hoạt động như phiên chợ nông sản, các buổi giao lưu hát bài chòi… Bên cạnh đó, nông trại cũng đào tạo, hướng dẫn các kỹ năng cho người lao động trong các hoạt động phục vụ du khách”, anh Lâm chia sẻ.

Cùng với Nông trại Sen, một số mô hình du lịch sinh thái tại Hòa Vang đang hoạt động ổn định và đón lượng khách khá tốt như: mô hình An Phú farm; mô hình Banarita Glamping farm (xã Hòa Phú); mô hình vườn nho thung lũng Nam Yên và Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch của ông Nguyễn Đức Tùng (xã Hòa Bắc). Các mô hình này chủ yếu khai thác các hoạt động trải nghiệm trồng rau, trồng nho, làm bánh truyền thống, tráng mỳ Quảng; thu hoạch rau, củ, quả, giáo dục trải nghiệm ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên; cung cấp dịch vụ ăn uống, chế biến các món ăn địa phương, chế biến các rau, củ, quả thu hoạch được tại mô hình, tiệc BBQ, cà phê; các hoạt động dịch vụ như cắm trại, thả diều, các trò chơi vận động, chụp hình.

Các mô hình hiện nay đa số đều hướng đến các hoạt động trải nghiệm, trồng rau, làm nông nghiệp... Trong ảnh: Vườn nho thung lũng Nam Yên đang được nhiều người dân và du khách yêu thích lựa chọn vào mỗi cuối tuần. Ảnh: THU HÀ
Các mô hình hiện nay đa số đều hướng đến các hoạt động trải nghiệm, trồng rau, làm nông nghiệp... TRONG ẢNH: Vườn nho thung lũng Nam Yên đang được nhiều người dân và du khách yêu thích lựa chọn vào mỗi cuối tuần. Ảnh: THU HÀ

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, sau khi Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 được ban hành, huyện đã cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang. Qua đó tăng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân đô thị và giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông.

Sau thời gian thực hiện các mô hình cho thấy hiệu quả của việc tích hợp thương mại dịch vụ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần và có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang. Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25-30 lao động địa phương (trung bình 8-10 lao động/mô hình); tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện. Ngoài ra, các điểm du lịch nông nghiệp đang triển khai trên đây đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí, dã ngoại của học sinh và người dân.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 14-3-2024 về kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội nhất là khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương vào đầu tư phát triển du lịch nông thôn để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch dịch vụ, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính cạnh tranh cao…

Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái tự nhiên; phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch; hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang…

Nguồn: Phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Nhật Hạ

baodanang.vn