Dấu ấn tiền nhân đất An Giang

20:07 | 05/04/2022

|
Trong lịch sử hình thành vùng đất An Giang, có sự đóng góp rất lớn của những danh thần mở cõi, như: Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh; danh tướng yêu nước, như: Quản Cơ Thành, Thủ Khoa Huân… Còn trong tiến trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vùng đất An Giang luôn xuất hiện nhiều danh nhân có đóng góp to lớn.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 30/3/1980) là nhà cách mạng kiên trung, người bạn chiến đấu, người tiếp nối sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Tôn từng giữ chức vụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960); Phó Chủ tịch nước (1960-1969); quyền Chủ tịch nước (từ ngày 2/9/1969 - 22/9/1969), rồi Chủ tịch nước (1969-1980). Bác Tôn là Chủ tịch nước cuối cùng của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng là Chủ tịch nước đầu tiên của chính thể Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tôn Đức Thắng sinh ra tại cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Năm 1906, sau khi tốt nghiệp sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên, Bác rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu. Tốt nghiệp hạng ưu, Bác được nhận vào làm công nhân Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp.

Dấu ấn tiền nhân đất An Giang
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của vùng đất An Giang

Từ đây, Bác Tôn đi theo con đường cách mạng. Ngày 20/4/1919, Bác là người treo cờ đỏ trên thiết giáp hạm của Pháp ở Hắc Hải để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Xô-Viết. Sau khi về nước (1920), Bác xây dựng cơ sở công hội (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Năm 1927, Bác bị Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Năm 1930, Bác Tôn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại nhà tù Côn Đảo và có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng nơi đây.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Tôn trở về Nam Bộ, tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Sau đó, Bác giữ nhiều trọng trách ở Trung ương. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người vì nước, vì dân, có lối sống bình dị và đậm hào khí của người con Nam Bộ.

Những người vì khoa học

An Giang không chỉ được biết đến là vùng đất cách mạng, mà còn có những nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng. Tiêu biểu trong số đó là GS.TS. Võ Tòng Xuân và GS Nguyễn Ngọc Trân.

GS.TS. Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940, tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) được biết đến là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nông nghiệp, người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên qua, là “cha” của nhiều giống lúa ngon của ĐBSCL. Với nhiều công lao đóng góp, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trải qua thuở niên thiếu nhiều cơ cực, ông luôn trân quý giá trị sức lao động và càng quyết tâm học để tiếp cận vùng trời tri thức vô tận. Năm 1961, ông được học bổng du học tại Trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos, là du học sinh xuất sắc. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại IRRI, môi trường làm việc tân tiến, ông lại khăn gói về Việt Nam, muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà. Cuối năm 1974, ông sang Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có một TS Võ Tòng Xuân trở về từ Nhật Bản, mang những kiến thức đã học ở nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.

GS Nguyễn Ngọc Trân (sinh năm 1940, quê xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới) đã có những công trình tiêu biểu về sông Mekong, vùng ĐBSCL... Trong thời gian ở Pháp (1959-1976), ông tốt nghiệp tiến sĩ cấp ba và tiến sĩ quốc gia khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), là nghiên cứu viên tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS), giáo sư đại học (Poitiers, Pháp).

Năm 1976, GS Nguyễn Ngọc Trân cùng gia đình về nước, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Từ 1983-1990, ông được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - đại tướng Võ Nguyên Giáp cử làm Chủ nhiệm chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL”. Ông là thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia, cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1992.

Vùng đất của văn học, nghệ thuật

Trong sự nghiệp văn học cách mạng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014, quê thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) là một tên tuổi nổi bật. Ông từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2000, là tác giả và biên kịch của 2 tác phẩm nổi tiếng (truyện ngắn “Chiếc lược ngà” và phim điện ảnh “Cánh đồng hoang”). Cũng trong dòng văn học chiến tranh, nhà văn Anh Đức (tên thật Bùi Đức Ái, 1935-2014, sinh ra ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) được nhiều người biết đến với loạt ký sự “Bức thư Cà Mau”, đặc biệt là tác phẩm “Hòn Đất”, viết về hình tượng chị Sứ (được xây dựng từ nữ anh hùng Phan Thị Ràng, quê huyện Tri Tôn), được dựng thành phim.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, quê ở xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới). Trong sự nghiệp sáng tác, ông cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng, như: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Viếng lăng Bác”, “Nhớ về Hà Nội”…

Đối với nghệ thuật cải lương, vùng đất An Giang cũng cho ra đời nhiều tên tuổi nổi bật, tiêu biểu là soạn giả Hoa Phượng (1933-1984), người cùng với soạn giả Hà Triều (Đặng Ngươn Chúc) hợp soạn hơn 60 vở cải lương có giá trị về nội dung lẫn hình thức, được phổ biến khắp miền Nam. Hoa Phượng tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh ra tại thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn). Những vở cải lương, như: “Khi hoa anh đào nở”, “Nửa đời hương phấn”, “Sông dài”, “Tuyệt tình ca” (Ông cò quận 9)… được khán giả mến mộ đến ngày nay.

Trong sân khấu cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết (tên thật Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1945, quê xã Khánh An, huyện An Phú) là nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”. Bà là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam tại 2 Viện Hàn lâm Anh Quốc và Bulgaria với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ thứ 21”. Bà được nhà nước tôn vinh danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Cùng với tài năng diễn xuất, bà còn tham gia giảng dạy, nghiên cứu, viết vọng cổ, trường ca cải lương…

Vùng đất An Giang còn sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác, góp phần làm phong phú lĩnh vực văn học, nghệ thuật của đất nước và quê hương.

An Giang là vùng đất của nhiều nhân tài, đa dạng trên các lĩnh vực. Về tôn giáo, có cụ Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An, Giáo chủ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương), Đức Bổn sư Ngô Lợi (Giáo chủ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), Đức Huỳnh Giáo chủ (Phật giáo Hòa Hảo), Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (Cha Diệp). Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật: Nhà thơ Viễn Phương, nhạc sĩ Phan Nhân, họa sĩ Chóe, nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm...

Nguồn: Dấu ấn tiền nhân đất An Giang

Hoàng Xuân

baoangiang.com.vn