Dầu khí Việt Nam trước căng thẳng Nga - Ukraine

16:31 | 10/03/2022

|
Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi khi giá dầu thô tăng, nhưng ngược lại, căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng tới hoạt động phát triển, khai thác mỏ dầu khí của Việt Nam.

Dầu thô đã tăng giá hơn 30% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Ngưỡng giá trên 100 USD một thùng được duy trì nửa tháng qua, theo đánh giá của PVN, giúp ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng. Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước... cũng tăng. Điều này phần nào được minh chứng qua dữ liệu thu ngân sách hai tháng đầu năm nay, khoản thu từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách.

Dầu khí Việt Nam trước căng thẳng Nga - Ukraine
Công nhân bảo dưỡng giàn khoan trên biển. Ảnh: PVN

Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng cho rằng, dầu khí là một trong ba nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu tăng. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Arab Saudi, với tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ đạt khoảng 10 triệu thùng một ngày. Sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Giá dầu sẽ khó hạ nhiệt sớm, dù Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép và xả kho dự trữ dầu nhằm khắc phục nguồn cung trong ngắn hạn. Bối cảnh này, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng, và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) hay Tổng công ty cổ phần khoan, thăm dò dầu khí (PVD) sẽ có được các hợp đồng mới, giá trị cao hơn.

Với nhóm trung nguồn, theo các chuyên gia phân tích của BSC, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, còn Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải giai đoạn 2 và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1 nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng sẽ được hưởng lợi nhờ chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu tăng, giúp họ cải thiện lợi nhuận.

Tại cuộc họp giao ban sản xuất, kinh doanh ngày 7/3, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn. Xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn chính yếu, không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc.

Ngược lại, giá dầu tăng cũng đem lại những rủi ro cho ngành dầu khí trong nước. Trước tiên, thị trường giá dầu biến động mạnh, khó dự báo, dẫn tới chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng tới tiêu thụ.

Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

PVN cho rằng, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao. Vòng xoáy giá, vì thế càng khó dự đoán.

Ông Trần Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) nhận định, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn. Ông nói, với tình hình căng thẳng Nga - Ukraine leo thang hiện nay, sẽ khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng...

PVEP hiện đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư nhằm đáp ứng trước biến động của thị trường, dự phòng rủi ro, cũng như tận dụng những cơ hội có thể có.

Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cũng cho biết, doanh nghiệp này đang theo dõi sát sao tình hình, xem xét và đưa ra các phương án ứng phó trước tác động của xung đột chính trị. Tùy theo diễn biến tình hình sẽ có kịch bản ứng phó tương ứng.

Trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN đề nghị các doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác dự báo, xây dựng và có giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.

"Các đơn vị cần cập nhật tình hình thị trường giá cả, cung - cầu, tồn kho... với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, ứng phó linh hoạt. Cần tận dụng cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là rủi ro khi thị trường đảo chiều", ông nêu.

Hai tháng đầu năm, PVN khai thác đạt 1,78 triệu tấn dầu, vượt 24% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra; sản xuất điện, khí gia tăng so với tháng trước.

Luỹ kế hai tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 118.730 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. PVN nộp ngân sách hơn 18.000 tỷ đồng hai tháng qua. Tuy nhiên, theo PVN, kết quả kinh doanh khả quan hai tháng qua "không lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, mà trải đều ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh"./.

Nguồn: Dầu khí Việt Nam trước căng thẳng Nga - Ukraine

Anh Minh

VnExpress