Doanh nghiệp chuyển hướng tiếp cận khách hàng qua livestream

15:20 | 15/05/2024

|
Để kích cầu mua sắm, tăng doanh thu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng livestream (phát trực tiếp) bán hàng ngay tại cửa hàng để tăng sự chân thật, uy tín. Việc này bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả trong việc kinh doanh.
Doanh nghiệp chuyển hướng tiếp cận khách hàng qua livestream
Các doanh nghiệp tổ chức livestream để tiếp cận khách hàng. Ảnh: Ngọc Lê

Thích ứng với xu hướng mua sắm mới

Khoảng 6 tháng nay, đều đặn mỗi ngày 12 tiếng, người dùng mạng xã hội TikTok đều thấy nhân viên của một kênh bán hàng livestream bán các loại gạo, thậm chí nấu cơm để cho khách hàng được trải nghiệm cùng nhà bán hàng. Việc này đã đem lại sự mới lạ cho người dùng khi thấy việc mua gạo nay cũng dễ dàng hơn khi có thể mua qua livestream.

“Các nhân viên của chúng tôi được chia ca để livestream, thay vì ngồi ở cửa hàng chờ khách thì livestream giúp tiếp cận được nhiều người hơn. Việc này giúp quảng bá và duy trì thương hiệu, đồng thời tư vấn trực tiếp cho khách hàng. Thời gian đầu có hơi khó khăn vì khách hàng chưa quen việc mua gạo qua livestream, nhưng sau đó mình giới thiệu và đem lại sự thực tế, đỉnh điểm có phiên livestream chúng tôi đạt được khoảng 4.000 đơn hàng” - bà Đặng Thùy Linh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty APG Eco chia sẻ.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá, việc bán hàng trực tuyến thông qua các phiên livestream là hình thức kinh doanh mới. Doanh nghiệp có thể tiếp cận được các tệp khách hàng, cải thiện sức mua, tăng doanh số, giảm chi phí trung gian, từ đó doanh nghiệp có thể trụ vững qua giai đoạn kinh tế khó khăn.

“Chúng tôi cũng đang thực hiện việc livestream và tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Việc mua hàng qua các kênh này đang là xu hướng của khách hàng do sự tối ưu của sản phẩm, do đó, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Đánh giá của chúng tôi cho thấy, việc livestream này đang đem lại hiệu quả” - anh Bùi Thành Được - chủ cơ sở Miền Tây Xanh cho biết.

Bứt tốc nhờ livestream

TPHCM là một trong những địa phương có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, là địa phương luôn dẫn đầu các xu thế mới về thương mại điện tử.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido - nhận định, trước đây những nhãn hàng có sản phẩm mới thì mất thời gian rất lâu để vào được thị trường thì nay chỉ cần thông qua việc livestream đã giúp người tiêu dùng tiếp cận và đem lại hiệu quả nhanh chóng. Qua đó, các doanh nghiệp đều thấy những lợi ích của việc bán hàng qua các nền tảng thương mại.

Theo Sở Công Thương TPHCM, hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như hàng giả, kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến, mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Dữ liệu về thương mại điện tử còn thiếu chi tiết, khiến cơ quan thuế và quản lý thị trường gặp khó khăn trong việc xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán. Do đó, Sở Công Thương đưa ra giải pháp xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu về kho hàng, nhà bán, giao dịch và doanh thu để hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Nguồn:Doanh nghiệp chuyển hướng tiếp cận khách hàng qua livestream

Ngọc Lê

laodong.vn