Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong

10:09 | 25/10/2023

|
Hàng năm, cứ đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, đồng bào Ca Dong ở các làng, nóc 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại tưng bừng tổ chức Lễ hội cúng máng nước. Cộng đồng người Ca Dong luôn coi trọng nguồn nước, xem nước là mạch nguồn của sự sống.

Đồng bào Ca Dong sinh sống lâu đời tại 2 huyện vùng cao Nam Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cũng như các dân tộc anh em khác, người Ca Dong có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như Lễ hội mừng lúa mới, Lễ cúng máng nước, phong tục ăn trâu huê, lễ cúng trước khi đưa lúa vào kho…Trong đó, Lễ cúng máng nước là một lễ hội quan trọng trong đời sống của bà con thường diễn ra vào dịp năm mới.

Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong
Người Ca Dong có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như Lễ hội mừng lúa mới, Lễ cúng máng nước, phong tục ăn trâu huê, lễ cúng trước khi đưa lúa vào kho.

Hàng năm, cứ đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, đồng bào Ca Dong ở các làng, nóc 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại tưng bừng tổ chức Lễ hội cúng máng nước. Cộng đồng người Ca Dong luôn coi trọng nguồn nước, xem nước là mạch nguồn của sự sống. Vì vậy, lễ cúng máng nước là lễ hội quan trọng thứ 2 sau lễ ăn trâu huê của bà con nơi đây.

Chuẩn bị cho Lễ cúng máng nước, trước tiên, già làng yêu cầu các thanh niên trong làng dụng cây nêu, phát dọn lối đi vào nơi lấy nước. Nguồn nước người dân lấy về sử dụng phải dồi dào, trong xanh, tinh khiết và thuận tiện để bắc máng nước. Sau khi đã chuẩn bị lễ vật dâng cúng gồm 1 con heo và 1 con gà, già làng bắt đầu nghi lễ cúng bái thần nước.

Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong
Lễ cúng máng nước là một lễ hội quan trọng trong đời sống của bà con thường diễn ra vào dịp năm mới.

Nghi lễ tế thần hoàn tất, gia đình chủ làng sẽ lấy nước trước bằng 2 ống lồ ô. Sau đó, từng hộ gia đình sẽ dùng ống nứa múc nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, tiết heo đem về nhóm bếp nấu cơm. Cuối cùng, các chàng trai Ca Dong sẽ đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng. Đây là nguồn nước chung của cả làng, sẽ chảy quanh năm phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con.

Già làng Hồ Văn Lâm, ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My cho biết, lễ cúng máng nước là nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Ca Dong: “Người Ca Dong trước khi đi gieo cấy, tỉa lúa rẫy thì bà con tổ chức Lễ cúng máng nước. Cúng máng nước để cầu mong thần rừng, thần nước phù hộ, đưa nước về cho bà con quanh năm để sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo tưới tiêu mùa màng. Cúng máng nước cũng để cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh. Vì vậy mà lễ cúng máng nước có là lễ hội rất quan trọng đối với đồng bào Ca Dong”.

Kết thúc nghi lễ ở nguồn nước, già làng cùng những người tham gia trở về nhà Cuất (nhà truyền thống của làng) tiếp tục thực hiện các bước làm phép. Tại đây, trong tiếng cồng, chiêng rộn ràng, già làng thực hiện nghi thức cúng, sau đó đưa rượu cho thành viên tham gia cùng uống, rồi dặn dò con cháu phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, sạch sẽ, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phấn đấu làm ăn để mùa màng bội thu.

Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong
Máng nước từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa vừa gẫn gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Ca Dong.

Theo ông Hồ Văn Lai ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, lễ cúng máng nước giúp dân làng Ca Dong sống đoàn kết, hòa thuận, hướng đến những điều tốt đẹp nhất: “Lễ cúng máng nước là lễ hội lớn hàng năm của người Ca Dong. Đến dịp lễ này, các làng, nóc của bà con luôn rộn ràng, nhộn nhịp. Phong tục này hướng đến những điều tốt đẹp vì sau khi cúng máng nước, tất cả người dân trong làng phải sống thật thà, trung thực, không được làm những chuyện xấu. Những ai vi phạm sẽ phải nộp phạt cho làng. Vì vậy, bà con luôn sống đoàn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn”.

Lễ cúng máng nước hoàn tất, cả làng mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Bà con làm cơm lam, nấu rượu cần và nhiều món ăn truyền thống để đãi khách. Người dân ở các làng, nóc đến thăm nhau, tay bắt mặt mừng, cùng ăn uống, chia sẻ niềm vui có nguồn nước trong lành, sạch sẽ. Các đội cồng chiêng, đàn hát dân ca tổ chức vui hội, cùng nhau nhảy múa, hát hò suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Ông Phạm Văn Thương, Phó Phòng phụ trách Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, đồng bào Ca Dong quan niệm, con suối chảy qua làng là tặng phẩm của rừng già ban cho con người. Hàng ngày, bà con mang quả bầu khô, ống lồ ô, ống nứa đến lấy nước về dùng để nấu ăn, sinh hoạt. Trẻ con có thể đùa nghịch, vui chơi thỏa thích dưới máng nước.

Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong
Các đội cồng chiêng, đàn hát dân ca tổ chức vui hội, cùng nhau nhảy múa, hát hò suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Bên cạnh đó, máng nước còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo sự kết nối trong cộng đồng. Vì thế, máng nước từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa vừa gẫn gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Ca Dong. Những năm qua, huyện Nam Trà My tổ chức phục dựng lễ hội này gắn với trình diễn đánh cồng chiêng và những làn điệu dân ca…

Ông Phạm Văn Thương, Phó Phòng phụ trách Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: Nghị quyết Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030 của Hội đồng nhân dân huyện xác định: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.

“Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức phục dựng các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My. Trong giai đoạn 2022-2023, chúng tôi đã phục dụng được rất nhiều lễ hội như, lễ hội cúng máng nước, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cưới của người Ca Dong. Sắp đến, chúng tôi tổ chức phục dựng lễ hội cưới của người Mơ Nông, rồi thực hiện theo Nghị quyết để hỗ trợ bà con phục dựng lại các làn điệu dân ca bị mai một như hát ting ting, hát k’cheo, hát xà ru, hát đối đáp của đồng bào Ca Dong, Mơ Nông, Xê Đăng", ông Thương cho biết.

Nguồn: Độc đáo Lễ cúng máng nước của người Ca Dong

Kim Thu VOV-Miền Trung

vov.vn