Đồng Nai: Chú trọng đổi mới công nghệ

15:07 | 07/03/2022

|
Những yêu cầu đặt ra của ngành bán lẻ là liên tục thay đổi, liên tục cải tiến. Điều này đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ logistics, chuyển phát nhanh cần thường xuyên cập nhật những xu hướng tiêu dùng, đổi mới về công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao các dịch vụ cung ứng… để giữ chân khách hàng.
Đồng Nai: Chú trọng đổi mới công nghệ
Nhân viên của Bưu điện tỉnh phân loại, sắp xếp bưu phẩm trước khi chuyển hàng. Ảnh: H.Hải

* Đẩy mạnh chuyển đổi số

Nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Sự phát triển, đổi mới của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số… và đặc biệt là những tác động từ đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng trong nước.

Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển hơn. Song song với đó là các dịch vụ về logistics, vận chuyển cũng thường xuyên cập nhật những công nghệ mới, đi đầu về chuyển đổi số để bắt kịp những xu hướng tiêu dùng mới, hiện đại.

Ông Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian qua, chi nhánh chủ động đẩy mạnh quá trình “số hóa” trong các khâu hoạt động. Trong đó, áp dụng đặt đơn hàng qua app để khách hàng thuận tiện theo dõi đơn hàng, hành trình giao nhận của đơn hàng, tiết kiệm chi phí so với các đơn hàng “viết tay” như trước đây… Đồng thời, chi nhánh còn đẩy mạnh kết nối các sản phẩm, hàng hóa của địa phương, nhất là các đặc sản lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Nhiều chuyên gia nhận định, Đồng Nai là địa phương giáp ranh với TP.HCM nên tỉnh có nhiều thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa sang TP.HCM và các tỉnh, thành khác, cũng như kết nối tiêu thụ với các địa phương. Ngoài ra, các dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics khá phát triển trên địa bàn tỉnh còn góp phần tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ giao nhận hàng hóa…

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương) chia sẻ, khi kết hợp, tích hợp với các hoạt động thanh toán trực tuyến và dịch vụ logistics, đối với sàn thương mại điện tử của địa phương cần có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, hiểu biết để tư vấn cho khách hàng có thể hiểu sản phẩm, mua sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi nhất; đồng thời, nắm bắt các quy trình đối chiếu đơn hàng, đối soát hoạt động thanh toán, đảm bảo các giao dịch đúng, đủ, kịp thời…

* Chủ động kết nối cho hàng hóa địa phương

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị hiếu tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi người kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhất là các trường hợp doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể cần chủ động các phương án kinh doanh, marketing… để thích ứng trước những diễn biến của dịch bệnh, trong đó cần lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm từ phía các đơn vị quản lý, nhất là qua các kênh quảng bá, sàn thương mại điện tử của địa phương.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương chia sẻ, Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) vừa có chức năng B2B, mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau; vừa có chức năng B2C, là mô hình giao dịch, mua - bán giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng, hay lĩnh vực bán lẻ. Việc cung cấp dịch vụ vận chuyển/giao hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trên ecdn.vn sẽ do Bưu điện tỉnh thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bán, người bán được quyền lựa chọn một trong hai, hoặc cả hai phương án: (1) bưu điện cử người thu gom tại địa chỉ doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh (người bán); (2) người bán giao hàng hóa, dịch vụ đến bưu cục gần nhất để bưu điện vận chuyển/giao đến người mua. Sở Công thương hỗ trợ miễn phí, bên cạnh đó sẽ cử người hỗ trợ đơn vị trong việc đăng tải thông tin, hình ảnh, video clip... của hàng hóa, dịch vụ lên sàn miễn phí.

Phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai Dương Thị Việt Hương cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh kết nối sản phẩm địa phương đến các tỉnh, thành trên cả nước thông qua các sàn Postmart.vn và Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Bên cạnh việc hỗ trợ vận chuyển, đơn vị còn chủ động hướng dẫn, giúp các HTX, hộ kinh doanh, bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ việc thu gom, đóng gói và vận chuyển an toàn, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân…

Ngoài ra, Bưu điện Đồng Nai còn có các điểm trưng bày, bán lẻ tại các bưu cục, điểm giao dịch bưu điện ở các xã, phường góp phần quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Chú trọng đổi mới công nghệ

Hoàng Hải

baodongnai.com.vn