Lâm Đồng: Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao

05:00 | 08/11/2024

|
Trong mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao; xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” (Nghị quyết 18), có yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khác biệt của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và giữ gìn cảnh quan bền vững...
Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao
Hoạt động đu dây vượt thác ở Khu du lịch thác Datanla đem đến những giây phút sảng khoái cho du khách

Qua 2 năm triển khai Nghị quyết 18, định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững đã đạt được những kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 - 2025, được phê duyệt theo Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đã đưa vào hoạt động chính thức cổng thông tin Dalat.vn và ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Flower city” và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến”.

Lâm Đồng: Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao
Khai thác lợi thế khác biệt của các địa phương sẽ góp phần làm tăng trải nghiệm cho khách hàng

Đến nay đã cập nhật được 1.636 cơ sở lưu trú, 866 cơ sở ăn uống, 155 địa điểm du lịch, 105 địa điểm mua sắm, 598 điểm giải trí và 644 địa điểm tiện ích công cộng (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe,…) và các thông tin về tỷ giá, thời tiết... Qua đó du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về TP Đà Lạt thông qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; đặt vé, phòng khách sạn qua mạng; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du khách khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Lạt...

TP Đà Lạt cũng duy trì wifi tại: Trung tâm hành chính công tỉnh, quảng trường Lâm Viên, chợ đêm, vòng quanh khu Hoà Bình, khu dốc Hoà Bình (đường Lê Đại Hành), Vườn hoa thành phố, bến xe Liên tỉnh, bến xe Thành Bưởi, siêu thị Big C, cà phê Mê Linh..., với năng lực phục vụ lên đến 50.000 lượt truy cập wifi mỗi ngày. Tại một số điểm tập trung đông du khách và người dân như quảng trường Lâm Viên, khu Hoà Bình được lắp đặt hạ tầng phát sóng không dây của 3 nhà cung cấp dịch vụ mạng (VNPT, Viettel, FPT), đáp ứng nhu cầu truy cập và hạ tầng đảm bảo không bị gián đoạn trong suốt quá trình kết nối của thiết bị đầu cuối.

Lâm Đồng: Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao
Không gian xanh mát của thiên nhiên Đà Lạt - Lâm Đồng là địa thế lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch

Bản đồ du lịch thông minh cũng được triển khai và tích hợp bản đồ du lịch thông minh (bản đồ và bản đồ camera) trên Cổng thông tin Dalat.vn và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh Dalatflowercity; trong đó, cập nhật các địa điểm về: tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí,... các thông tin, hình ảnh kết hợp công nghệ AR, VR, mô hình 3D giúp du khách dễ dàng tham quan các địa điểm, lập kế hoạch du lịch, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giúp du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Lạt được thực hiện theo Kế hoạch số 1307/QĐ-UBND ngày 5/7/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, TP Đà Lạt đã đang triển khai thí điểm một số mô hình kinh tế đêm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân như: Cung đường nghệ thuật Lý Tự Trọng (tháng 11/2023); khu ẩm thực đêm Vườn hoa thành phố (khai trương ngày 21/12/2023); tuyến phố đi bộ Đà Lạt tại khu Hòa Bình, Phường 1 (mở lại ngày 15/4/2024); phối hợp khai thác chuyến tàu du lịch đêm “Hành trình đêm Đà Lạt” tại Ga Đà Lạt (tháng 4/2024); thí điểm phố đi bộ Trần Quốc Toản (khai trương ngày 7/6/2024).

Lâm Đồng: Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao
Du lịch canh nông ngày càng được ưa chuộng bởi mỗi vị khách có cơ hội thâm nhập vào không gian sống của chủ thể khác, ở địa phương khác

Không gian du lịch cũng được quy hoạch, mở rộng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch. Cụm du lịch TP Đà Lạt và vùng phụ cận có ranh giới không gian bao gồm TP Đà Lạt là trọng tâm với các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương và Lâm Hà; sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng (TP Đà Lạt); du lịch gắn với tổ chức hội nghị, hội thảo (du lịch MICE); du lịch tìm hiểu văn hóa, di sản; du lịch sinh thái, giáo dục môi trường; du lịch gắn với nghiên cứu, đào tạo; du lịch tham gia các sự kiện; du lịch nông nghiệp; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay).

Cụm du lịch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận có ranh giới không gian bao gồm TP Bảo Lộc và các huyện lân cận gồm Di Linh và Bảo Lâm; với sản phẩm du lịch chủ yếu là tham quan các danh lam thắng cảnh; du lịch tìm hiểu văn hóa, di sản; du lịch nông nghiệp… Cụm du lịch các huyện phía Nam có ranh giới không gian bao gồm các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; với sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch tìm hiểu văn hóa, di sản; du lịch sinh thái, giáo dục môi trường; du lịch thể thao; du lịch nông nghiệp.

Nhiều tuyến du lịch được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm hình thành và khai thác du lịch nội vùng và liên kết vùng. Đa số các tuyến du lịch nội vùng tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lâm Đồng là du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động diễn giải, giáo dục môi trường, du lịch tìm hiểu văn hoá, di sản; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp…; còn các tuyến du lịch liên kết vùng thì chủ yếu gắn liền với các sản phẩm du lịch “Rừng và biển”, “Hoa và di sản”... Trong đó, có nhiều tuyến du lịch đang được khai thác hiệu quả, như: Tuyến Đà Lạt - Đam Rông và Đà Lạt - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang - Đạ Sar - Đạ Chais; tuyến Đà Lạt - Lâm Hà - Di Linh - Bảo Lâm - Đạ Tẻh; tuyến Đà Lạt - Đức Trọng - Di Linh - Bảo Lộc - Đạ Huoai; tuyến Đà Lạt - Đơn Dương; tuyến Đơn Dương - Đức Trọng - Lâm Hà - Đam Rông...

Tuyến du lịch liên kết vùng kết nối Đà Lạt với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc thông qua các quốc lộ và đường hàng không, như: Tuyến Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Long Hải; tuyến Đà Lạt - Di Linh - Phan Thiết - Long Hải - Vũng Tàu; tuyến Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang - các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; tuyến Đà Lạt - Nha Trang - các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; tuyến Đà Lạt - Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...

Nếu thực hiện tốt những quy hoạch, định hướng trên của Nghị quyết 18 sẽ khẳng định thương hiệu du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc để xây dựng các khu vui chơi, giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng, khách sạn cao cấp; đồng thời, sẽ thực hiện có hiệu quả và phù hợp các quy định đối với chính sách cho thuê môi trường rừng để đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kết hợp với phát triển du lịch, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của địa phương gắn với phát triển du lịch...

Nguồn: Định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao

Nhật Quâng

baolamdong.vn