Tình nguyện rời phố thị lên vùng cao gieo chữ
Lãnh đạo TP. Hạ Long trao Quyết định điều động giáo viên đi công tác tại các trường học thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi |
Những năm gần đây, tuyển dụng giáo viên gắn với biên chế gây khó khăn trong bổ sung mới giáo viên mới. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra “bài toán” rất khó giải về đội ngũ nhà giáo cho các trường và ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo viên vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Trước thực tế đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có cách làm linh hoạt là, thực hiện việc luân chuyển giáo viên nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với giáo dục ở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS. Theo đó, đã có không ít những thầy giáo, cô giáo đã sẵn sàng viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học.
Cô Hoàng Thị Huế, giáo viên môn Ngữ Văn có nhiều năm công tác tại Trường THCS Cao Xanh - một trong những trường trung tâm của TP. Hạ Long. Năm học 2024 - 2025, cô Huế đã tình nguyện viết đơn xin luân chuyển lên trường vùng cao TH và THCS Đồng Lâm 1 (xã Đồng Lâm, TP. Hạ Long) để dạy học.
“Ở đây học sinh chủ yếu là học sinh người DTTS, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên chưa thật sự tập trung cho việc học. Tôi luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất. Việc rời phố thị lên vùng cao dạy học cũng gặp một chút khó khăn ban đầu, nhưng tất cả vì học sinh thân yêu, tôi và các thầy cô khác đã sẵn sàng khi viết đơn tình nguyện”, cô Huế trải lòng mình.
Cô Hoàng Thị Huế giảng dạy chuyên đề "Ứng đụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nói và nghe cho học sinh trong môn Ngữ Văn lớp 8 |
Với cách làm luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi lên vùng cao dạy học, đã tạo những chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, từng bước kéo gần khoảng cách giáo dục giữa miền núi với miền xuôi. Trao đổi với Hiệu trưởng Trường TH và THCS Đồng Lâm 1 - Bùi Việt Cường được biết, năm học 2024 – 2025, Trường tiếp nhận 3 giáo viên. Theo quy định, giáo viên tình nguyện luân chuyển về Trường TH và THCS Đồng Lâm 1 sẽ công tác tại trường 2 năm đối với giáo viên nữ và 3 năm với giáo viên nam.
“Các giáo viên từng dạy ở khu vực trung tâm khi luân chuyển về trường với nhiệt huyết cống hiến cho học sinh vùng cao, không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động chung của nhà trường và giúp học sinh tiếp cận thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới nên chất lượng dạy, học chắc chắn sẽ đạt kết quả cao hơn”, thầy Cường chia sẻ.
Từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2024 - 2025, Hạ Long có 188 giáo viên viết đơn tình nguyện lên các trường vùng cao, vùng đồng bào DTTS dạy học |
Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực, công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, trẻ em, học sinh được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn các xã vùng cao Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng và thôn Khe Cát, xã Tân Dân được hưởng hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc thường xuyên tại một số địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh, với mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/người/tháng. Đây là sự động viên và hỗ trợ để các thầy cô giáo giảm bớt khó khăn và yên tâm công tác.
Từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, thành phố có 123 thầy cô giáo thực hiện công tác nghĩa vụ theo quy chế luân chuyển giáo viên. Năm học 2024 - 2025, các trường thuộc vùng nghĩa vụ của thành phố có 133 giáo viên, nhân viên đủ thời gian công tác và đủ điều kiện luân chuyển về vùng thuận lợi. Đáng phấn khởi là, ngoài 69 giáo viên, nhân viên có đơn xin luân chuyển về vùng thuận lợi, thì có 64 giáo viên, nhân viên không có đơn xin luân chuyển về vùng thuận lợi, tình nguyện ở lại công tác hẳn vùng khó khăn.
Tiếp nối những thầy cô các năm học trước, đầu năm học 2024 - 2025, ngay khi Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Hạ Long thông tin về tình trạng thừa giáo viên ở vùng thuận lợi và thiếu giáo viên ở vùng khó khăn, 65 thầy, cô giáo đã chia sẻ khó khăn với ngành, viết đơn tình nguyện lên miền núi dạy học. Theo đó, từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2024 - 2025, Hạ Long có 188 giáo viên đã chấp nhận khó khăn đó, hơn một lần viết đơn tình nguyện về với học sinh miền núi để mang con chữ cho các em.
Việc luân chuyển giáo viên từ các trường ở vùng thuận lợi lên trường ở vùng cao, đang tiếp thêm động lực, tinh thần mới, giúp học sinh những nơi khó khăn có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy học của giáo viên ở vùng thuận lợi, qua đó sẽ ngày càng đạt được thành tích cao trong công tác giáo dục và các phong trào, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Đây cũng là điều kiện quan trọng, để TP. Hạ Long tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa của thành phố.
Nguồn: Tình nguyện rời phố thị lên vùng cao gieo chữ
Mỹ Dung
baodantoc.vn
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Son Heung Min ghi bàn thứ 50, đội tuyển Hàn Quốc tiến gần vòng chung kết World Cup 2026
-
Nguồn cung thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ từ năm 2025
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Thaco tổ chức lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026