Đồng Nai: ''Cửa sáng'' nào cho ngành du lịch?

02:25 | 10/01/2022

|
Sau 2 năm gần như bất động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay, dù tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã được phủ sóng khắp cả nước nhưng biến thể của virus gây bệnh vẫn gây lo lắng cho người dân. Mọi hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt nơi công cộng dù đã được nới lỏng nhưng bản thân người dân vẫn tự cảnh giác, ít tham gia hơn để bảo đảm an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Đồng Nai: ''Cửa sáng'' nào cho ngành du lịch?
Biểu đồ thể hiện tổng lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và doanh thu dịch vụ du lịch của Đồng Nai qua các năm từ 2019-2021. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Quân

Đối với ngành du lịch, cụ thể là các khu, điểm đến du lịch hay những doanh nghiệp (DN) lữ hành, lưu trú…, dù đã được hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng bình thường mới với những quy định phòng, chống dịch nhưng vẫn phải bù lỗ vì doanh thu từ du lịch không đủ để trang trải kinh phí hoạt động.

* DN tiếp tục bù lỗ

Từ đầu tháng 12-2021, Khu du lịch (KDL) Suối Mơ (H.Tân Phú) đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, dù đã thực hiện nhiều chiến lược truyền thông khá mạnh để thu hút du khách, nhưng lượng khách đến Suối Mơ vẫn khá khiêm tốn. Trong những ngày Tết Dương lịch vừa qua, Suối Mơ chỉ đón khoảng 3 ngàn lượt khách, chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2020, nếu so với năm 2019 thì chỉ bằng 1/5 số khách.

Theo KDL Vườn Xoài (TP.Biên Hòa), số khách du lịch đến tham quan trong dịp Tết Dương lịch vừa qua cũng chỉ đạt khoảng 3 ngàn khách, bằng 1/3 số khách cùng kỳ năm 2019. Riêng một số KDL như Bửu Long (TP.Biên Hòa), Bò Cạp Vàng (H.Nhơn Trạch) hiện vẫn chưa mở cửa đón khách trở lại trong dịp Tết Dương lịch. Phần lớn các khu, điểm du lịch khi mở cửa trở lại không chỉ gặp khó khăn về tài chính, doanh thu mà còn khó khăn cả về nhân sự do thời gian qua, công việc liên quan đến ngành du lịch rất bấp bênh, không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt hằng ngày nên nhiều người đã tìm công việc khác.

Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư du lịch Suối Mơ (KDL Suối Mơ) cho biết, dù đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng suốt 2 năm qua, phần lớn thời gian KDL phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu bằng 0. Tuy không hoạt động nhưng mỗi tháng Suối Mơ vẫn phải bù lỗ từ 400-500 triệu đồng chi phí duy trì bảo dưỡng. Như vậy, trong 2 năm qua, KDL này đã phải bù lỗ trên dưới 10 tỷ đồng.

Không khá hơn Suối Mơ là bao, KDL Vườn Xoài cũng phải bù lỗ tiền tỷ để bảo dưỡng, chăm sóc thú trong KDL. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Kinh doanh KDL Vườn Xoài chia sẻ, cả KDL Vườn Xoài có khoảng 200 nhân viên. Bình thường, mỗi tháng KDL Vườn Xoài phải chi khoảng 1 tỷ đồng trả lương nhân viên. Con số này chưa tính tiền lo thức ăn cho thú và bảo dưỡng các hạng mục trang trí, cây xanh… Theo ông Tùng, trong 2 năm qua, KDL Vườn Xoài phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng, trong khi không có doanh thu.

Là điểm đến hoạt động theo hướng du lịch sinh thái nên các công trình tại KDL Bò Cạp Vàng chủ yếu xây dựng bằng chất liệu cây, lá thiên nhiên. Do thời gian tạm ngừng hoạt động dài ngày nên đến nay nhiều hạng mục tại KDL Bò Cạp Vàng bị xuống cấp. Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (KDL Bò Cạp Vàng) cho biết, phần lớn hạ tầng trong KDL bị xuống cấp, hư hỏng nặng phải làm mới tốn khá nhiều thời gian. “Hiện chúng tôi đang cố gắng sửa chữa, làm mới lại các hạng mục để kịp thời gian mở cửa đón khách vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài phục dựng các hạng mục, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển nhân sự làm việc” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, trong 2 năm qua, KDL Bò Cạp Vàng bị khá nhiều thiệt hại, tình hình doanh thu gần như không có, trong khi một số khoản chi thường xuyên, trả tiền vay ngân hàng thì không thể ngừng. DN phải tự gánh chi phí bảo dưỡng cây cối… ước tính phải bù lỗ khoảng 4-5 tỷ đồng.

Không chỉ đối với các điểm, KDL, DN hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú cũng gặp nhiều khó khăn. Theo một số DN lữ hành, lưu trú, phần lớn các DN này đều phải vay ngân hàng để đầu tư phương tiện vận chuyển hành khách, đầu tư khách sạn, nhà nghỉ… nên nếu thị thường bất động, hàng loạt xe phải nằm tại bến dài ngày, DN phải đối mặt các khoản nợ, chi phí bảo dưỡng. Trong khi đó, phương tiện giao thông cũng như các cơ sở lưu trú nếu không hoạt động thường xuyên thì khả năng xuống cấp còn nhanh hơn các công trình cảnh quan tại các khu, điểm du lịch.

* Chần chừ trong đầu tư mới

Theo thông lệ, vào những tháng cuối năm, bắt đầu từ dịp Giáng sinh, thị trường du lịch đã bắt đầu sôi động, các khu, điểm du lịch đầu tư thêm các hạng mục phục vụ riêng cho dịp cuối năm để kích cầu. Thế nhưng đến thời điểm này, các khu, điểm du lịch vẫn đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều nơi vẫn chưa có động thái đầu tư hạng mục, tiểu cảnh mới để phục vụ Tết Nguyên đán sắp cận kề.

Đơn cử như KDL Suối Mơ nhiều năm nay là một trong những điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch, vào mỗi dịp lễ, Tết, KDL Suối Mơ rất tích cực đầu tư chăm chút, tỉ mỉ các hạng mục mới. Thế nhưng năm nay, dù đã trải qua dịp Tết Dương lịch với kỳ nghỉ dài 3 ngày, KDL Suối Mơ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư hạng mục mừng Xuân do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành du lịch có nguy cơ phải trở về trạng thái tạm ngừng hoạt động.

Đồng Nai: ''Cửa sáng'' nào cho ngành du lịch?
Du lịch khám phá rừng, sản phẩm du lịch thích ứng tình hình mới được nhiều du khách quan tâm. Ảnh: N.LIÊN

Ông Phạm Châu An chia sẻ, năm nay KDL Suối Mơ không mạnh dạn đầu tư như mọi năm vì dịch bệnh phức tạp, thêm vào đó là tâm lý sợ tới đám đông của người dân nên lượng khách đến vào dịp Tết Dương lịch vừa qua còn khá khiêm tốn. Ông An cho hay: “Nếu tình hình trong vài ngày tới vẫn ổn thì KDL Suối Mơ sẽ đầu tư thêm một số hạng mục đón Xuân, tuy nhiên cũng chỉ đầu tư ở mức vừa phải, cầm chừng để phòng trường hợp nếu phải đóng cửa do dịch bệnh thì sẽ đỡ tổn thất cho DN. Tuy nhiên, là một DN tư nhân với mục tiêu duy trì hoạt động du lịch lâu dài nên KDL Suối Mơ vẫn sẽ tiếp tục gồng gánh khó khăn, duy trì hoạt động để chờ ngày du lịch được hoạt động bình thường trở lại”.

Chia sẻ về tình hình chung của thị trường du lịch trong thời gian tới, một số DN cho rằng, nếu trong một vài tháng nữa ngành du lịch không thể tái hoạt động thì nguy cơ tổn hại sẽ rất cao. DN không thể tiếp tục hoạt động do không còn sức về tài chính. Nhân viên ngành du lịch buộc phải tìm kiếm công việc khác và thực tế tình trạng này đã và đang xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay, dù đã xác định nếu mở cửa cũng tiếp tục lỗ, tuy nhiên nếu hoạt động vẫn có thể giữ chân người làm du lịch. Các DN mong muốn, năm 2022, doanh thu từ du lịch có thể đủ để DN trang trải cho chi phí vận hành, trả lương nhân công, vừa bảo đảm công ăn việc làm, vừa duy trì ngành du lịch phát triển bền vững hơn trong tình hình mới.

Nguồn: ''Cửa sáng'' nào cho ngành du lịch?

Ngọc Liên

baodongnai.com.vn