Đồng Nai: Doanh nghiệp dệt may chú trọng đầu tư cho chất lượng

22:22 | 14/03/2023

|
Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có xuất khẩu dệt may xếp thứ 3 thế giới, nhưng đang bị cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia khác. Điều đó khiến cho ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ phía Nhà nước lẫn nỗ lực của doanh nghiệp (DN).
Đồng Nai: Ngành chăn nuôi nỗ lực xoay xở trong khó khănĐồng Nai: Ngành chăn nuôi nỗ lực xoay xở trong khó khăn
Đồng Nai: Bất động sản tìm đường raĐồng Nai: Bất động sản tìm đường ra
Đồng Nai: Doanh nghiệp dệt may chú trọng đầu tư cho chất lượng
Sản xuất tại Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh suy giảm, ngành dệt may đang hướng đến đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xanh hóa sản xuất của mình.

* Vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2022, dù ngành dệt may Việt Nam vẫn về đích với tổng kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm trước đó, nhưng dệt may Việt Nam lại bị mất đi vị trí quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 trên thế giới. Bước sang năm 2023, ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD, nhưng mục tiêu này không dễ đạt được do tình hình kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều bất ổn.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hầu hết các dự báo về kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ đều có xu hướng tiêu cực. Với ngành dệt may, dự báo tổng cầu thế giới năm 2023 sẽ chỉ tăng trưởng từ 2,5-4%, đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam cũng có xu hướng giảm. Nhu cầu của thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn và lượng hàng tồn kho cần giải quyết sẽ gây khó khăn thêm cho các mục tiêu của ngành.

Cũng như cả nước, tại Đồng Nai, theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có mặt hàng dệt may. Cụ thể, trong 2 tháng năm 2023, ngành dệt may của tỉnh xuất khẩu đạt gần 230 triệu USD, chỉ bằng gần 83% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may cùng với gỗ, giày dép, sản phẩm máy tính linh kiện... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Điều này cho thấy những tác động bất lợi của tình hình thế giới đến sản xuất, kinh doanh của DN. Những khó khăn này khiến cho tổng thể các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương bị ảnh hưởng, đòi hỏi phải có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

* Phải đầu tư nâng chất lượng sản phẩm

Một vấn đề hiện nay đối với các DN ngành dệt may là bên cạnh nhu cầu thế giới sụt giảm thì còn phải cạnh tranh gay gắt với các “cường quốc dệt may” khác. Ngoài Trung Quốc là quốc gia số 1 thì Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tận dụng các lợi thế để phát triển ngành dệt may.

Khi miếng bánh thị phần bị chia nhỏ hơn bởi nhiều quốc gia, đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển mình theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và xanh hóa trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các nhãn hàng lớn sẽ ưu tiên cho những nhà máy sản xuất có chất lượng tốt, giá cạnh tranh và mọi thủ tục xuất - nhập khẩu thuận lợi.

Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai là DN có vốn đầu tư nước ngoài, hiện có các nhà máy tại TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch. DN này đặt ra tiêu chuẩn cao khi chọn nguồn sợi trong sản xuất. Sợi đầu vào phải là organic cotton hoặc những sợi tái chế, đồng thời DN sử dụng hệ thống máy móc và công nghệ hiện đại có khả năng phát triển nguồn sợi riêng, thân thiện với môi trường. Việc sử dụng máy móc hiện đại trong pha chế thuốc nhuộm và công nghệ nhuộm, dệt mới cũng giúp tiết kiệm năng lượng, nước, nguyên vật liệu mà sản phẩm lại đạt chất lượng cao hơn.

Tương tự, với các DN trong nước đứng chân ở địa phương như: Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai, Công ty CP Đồng Tiến, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức…, việc đầu tư nâng chất lượng sản phẩm cũng là yêu cầu bắt buộc.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc, chuyên về các sản phẩm may xuất khẩu) Lê Văn Quang thì các đối tác, nhãn hàng quốc tế lớn đánh giá rất kỹ nhà sản xuất sản phẩm. Ngoài chất lượng sản phẩm, những yếu tố như: nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cũng như chăm lo phúc lợi cho người lao động, ứng xử với xã hội... rất quan trọng. Việc nhà nhập khẩu đặt ra các tiêu chuẩn cao như trên cũng chính là động lực để công ty tái cấu trúc, hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của mình.

Nguồn: Doanh nghiệp dệt may chú trọng đầu tư cho chất lượng

Văn Gia

baodongnai.com.vn