Đồng Nai: Doanh nghiệp mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài

19:05 | 04/04/2022

|
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam thì cơ hội cung ứng hàng hóa, hợp tác của các DN Việt sẽ rộng mở hơn. Việc hợp tác với khối DN FDI vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nội, vừa tích lũy được kinh nghiệm, công nghệ để phát triển bền vững.
Đồng Nai: Doanh nghiệp mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài
Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu), doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với đối tác đến từ Úc. Ảnh: V.GIA

Tại Đồng Nai, đã có những DN tận dụng các mối quan hệ, hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng tầm thương hiệu của mình.

* Thành quả từ nhiều sự hợp tác

Nói đến thương hiệu ca cao Đồng Nai thì ca cao Trọng Đức là đơn vị đi tiên phong. Hiện DN này đã có sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Kết quả này có được là nhờ việc hợp tác với đối tác Nhật Bản để nâng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Từ năm 2015, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức và Công ty TNHH Thương mại sản xuất ca cao Ken Việt Nam, DN xuất xứ từ Nhật Bản có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo truyền thống tại Nhật Bản, đã hợp tác với mục tiêu quảng bá, xuất khẩu chocolate và các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thị trường thế giới.

Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, DN có vùng nguyên liệu rộng lớn, việc hợp tác giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm mà công ty cung ứng ra thị trường; đồng thời, bổ sung các sản phẩm mới. Trọng Đức đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu, mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tương tự, cũng hợp tác với các đối tác FDI đến từ Nhật Bản là Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa). Câu khẩu hiệu lớn giăng trong nhà máy của DN này là “Kỹ thuật Nhật - Bàn tay Việt”.

Anh Trần Quý, Giám đốc công ty cho hay, thị trường cho ngành hàng cơ khí chế tạo, thiết bị công nghiệp phụ trợ là rất lớn nên dư địa phát triển của ngành còn nhiều. Hợp tác với các đối tác nước ngoài nói chung và DN Nhật là nhằm hướng tới trở thành đơn vị có quy mô khép kín từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Sản phẩm của DN hướng tới mang giá trị cao, chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm sản xuất ra của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ 40%, Nhật Bản 30%, Úc 20% và thị trường trong nước 10%...

Mới đây, ngày 30-3, tại Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), Công ty CP Kết cấu thép GSB đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH NS BlueScope Lysaght Việt Nam (thành viên tập đoàn thép hàng đầu của Úc BlueScope Steel Limited). Hai doanh nghiệp này đã có nhiều thời gian cộng tác xây dựng các công trình nhà xưởng công nghiệp. Để việc hợp tác với quy mô lớn hơn và khách hàng, chủ đầu tư có thể lựa chọn các công trình theo xu hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, hai bên đã quyết định trở thành đối tác chiến lược của nhau.

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB, GSB chuyên gia công, sản xuất các cấu kiện thép cho các công trình dân dụng, thương mại và công nghiệp hàng đầu tại Đồng Nai, trong khi đó BlueScope Lysaght là chuyên gia cung cấp các giải pháp thép với hơn 165 năm kinh nghiệm đến từ Úc. “Chúng tôi hy vọng sự kết hợp giữa các bên sẽ mang lại những lựa chọn ưu việt cho khách hàng của công ty trên khắp Việt Nam” - ông Nguyễn Tấn Lộc kỳ vọng.

* Kết nối qua các chương trình hỗ trợ

Thời gian qua, Đồng Nai đã phối hợp để xúc tiến hợp tác giữa các DN có vốn đầu tư Nhật Bản trên địa bàn kết nối với DN ngành hàng công nghiệp hỗ trợ của địa phương thông qua Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai (thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai).

Riêng trong năm 2021, tổ đã lựa chọn 40 DN có vốn đầu tư trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát. Thông qua khảo sát, lựa chọn các DN nội có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản, từ đó hỗ trợ, xúc tiến hợp tác giữa các bên.

Tham gia chương trình, anh Trần Quý cho hay từ năm 2019, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam đã tiếp cận với tổ điều phối viên công nghiệp. Cùng với sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng, công ty còn tham gia các chương trình giao lưu, kết nối khác với các hiệp hội DN Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… do địa phương tổ chức để mở rộng khách hàng. Việc này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ cho DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Theo đại diện các DN nội trên địa bàn tỉnh, cơ hội bán hàng cho DN FDI và xuất khẩu ngày càng rộng mở. Để có thể phát triển mạnh mẽ hơn và nâng cao giá trị thương hiệu, các DN tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị tốt và đội ngũ nhân lực tại chỗ có tay nghề cao. Sản phẩm có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, nhưng so với sự cạnh tranh trên thị trường và so với hàng ngoại nhập thì tiềm lực DN trong nước vẫn còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nhất là về công nghệ, thông tin, sự kết nối bạn hàng, DN mong muốn được kết nối và rất cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan.

Nguồn: Doanh nghiệp mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài

Văn Gia

baodongnai.com.vn