Đồng Nai: Đưa điện xuyên rừng

04:05 | 20/01/2022

|
Nằm cách trung tâm H.Vĩnh Cửu khoảng 35km, đi sâu vào vùng lõi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là ấp 3 và ấp 4, xã Mã Đà với khoảng 660 hộ dân. Người dân đã sinh sống hàng chục năm tại 2 ấp này vừa đón nhận niềm vui vì được sử dụng điện từ hệ thống lưới điện quốc gia.
Đồng Nai: Đưa điện xuyên rừng
Nhân viên ngành điện hướng dẫn người dân ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: N.Liên

Để hoàn thành đường điện phục vụ nhân dân, ngành điện đã triển khai xây dựng hơn 18km và 15 trạm biến áp với tổng công suất 1.125kVA, trong đó có 4km đường dây điện phải vượt qua lòng hồ Trị An và đi theo đường mòn trong rừng tự nhiên để đưa điện đến với người dân. Sau hơn 2 tháng đưa vào vận hành thử nghiệm, đầu tháng 1-2022, đường điện chính thức được nghiệm thu và khánh thành.

* An tâm sản xuất khi có điện

Khu vực ấp 3 và 4, xã Mã Đà có khoảng 847ha diện tích được người dân trồng các loại cây ăn trái như: xoài, ổi và các loại cây có múi. Để cây trồng đạt năng suất cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều năm qua, người dân phải sử dụng đèn dầu, bình ắc quy, máy nổ chạy bằng dầu để phát điện và bơm nước tưới nên chi phí khá tốn kém, trong khi chất lượng nguồn điện không bảo đảm.

Chia sẻ những nỗ lực của địa phương trong việc tạo điều kiện để đưa điện xuyên rừng, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu NGUYỄN VĂN THUỘC cho rằng, thời gian qua, Vĩnh Cửu đã đạt được một số kết quả khả quan trên các mặt đời sống xã hội, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch tăng đáng kể. Đặc biệt, việc kết nối đường điện đến với bà con nhân dân ấp 3 và 4 là sự nỗ lực lớn và là niềm vui sau mấy chục năm chờ đợi không chỉ của người dân mà còn là của cả hệ thống chính trị và ngành điện trong suốt thời gian qua.

Kể từ khi có điện lưới quốc gia gần 2 tháng nay, nhiều gia đình đã đầu tư mua sắm thêm các thiết bị điện như: tủ lạnh, tivi, bếp điện… Bà Nguyễn Thị Phỉ, người dân ấp 4 cho biết, gia đình bà sử dụng điện lưới quốc gia được hơn 1 tháng, điều khiến bà vui nhất chính là việc tiết kiệm được khá nhiều thời gian cũng như chi phí trong sản xuất và sinh hoạt. Cụ thể, theo bà Phỉ, trước kia mỗi tháng gia đình bà phải chi trả khoảng 1 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm nước tưới cây và phát điện, thì nay những khoản chi phí này đã giảm chỉ còn hơn 100 ngàn đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà Phỉ đã mua thêm tủ lạnh, quạt máy… để phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày. Bà Phỉ chia sẻ: “Có điện ai cũng phấn khởi nên nhiều hộ mua sắm thêm tivi, tủ lạnh, máy bơm nước... Điện nhà nước xài rất ổn định nên tôi hy vọng tuổi thọ của các thiết bị điện được kéo dài hơn so với sử dụng nguồn điện bằng máy dầu như trước kia”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thu, một trong những hộ dân có tới 10ha trồng cây ăn trái nên mỗi tháng vào mùa cao điểm, ông Thu phải tốn khoảng 12 triệu đồng mua dầu về chạy máy tưới cây. Kể từ khi có nguồn điện ổn định, gia đình ông bớt được rất nhiều thời gian làm việc ngoài vườn.

Giống như ông Thu, ông Phạm Bảo Ngọc cũng đang hào hứng mua sắm đồ điện trong nhà. Ông Ngọc chia sẻ, gia đình ông có 1,8ha xoài. Lâu nay công việc tưới cây đều phải sử dụng máy nổ chạy bằng dầu để thực hiện. Điện lưới của Nhà nước khá ổn định nên độ an toàn được bảo đảm mà độ bền của các dụng cụ cũng tăng cao hơn.

* Bảo đảm an toàn điện

Theo ghi nhận của đơn vị thi công đường điện vào ấp 3 và 4, trong suốt quá trình thi công công trình đường điện, đơn vị luôn được sự ủng hộ của địa phương cũng như người dân. Bên cạnh đó, ngành điện cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng như trong quá trình thi công phải thực hiện nhiệm vụ đi vào sâu trong rừng hay băng qua hồ Trị An để đưa điện đến với bà con. Do phải nghỉ tạm một thời gian để chống dịch nên khi hoạt động trở lại, ngành điện phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc khi có thể.

Đồng Nai: Đưa điện xuyên rừng
Nhân viên ngành điện hướng dẫn người dân ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: N.Liên

Ông Huỳnh Ngọc Biên, công chức văn hóa - xã hội xã Mã Đà cho biết, xã đã nhiều lần phối hợp với Điện lực Trị An tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thao tác sử dụng điện an toàn. “Trước đây, bà con quen xài máy chạy dầu hoặc thiết bị năng lượng mặt trời có dòng điện thấp, không đủ mạnh để giật chết người. Tuy nhiên, điện lưới quốc gia có khả năng rủi ro nên địa phương đã tuyên truyền cho người dân hiểu và phân biệt sự khác nhau giữa điện năng lượng và điện lưới quốc gia để bảo đảm an toàn khi sử dụng” - ông Biên cho hay.

Là đơn vị xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống đường điện đến ấp 3 và 4, ông Hoàng Công Hoan, Phó giám đốc Điện lực Trị An cho hay, hệ thống lưới điện tại ấp 3 và 4, xã Mã Đà đến nay đã hoàn thiện và Điện lực Trị An đã gắn điện kế để cung cấp điện cho bà con đang sinh sống giữa vùng lõi rừng. Đây là địa điểm nằm khá xa chốt trực của nhân viên ngành điện, bán kính đi và về khoảng 50km. Hơn nữa, giao thông đi lại chủ yếu xuyên rừng, không có đèn đường sẽ gây khó khăn khi có sự cố, nhất là vào ban đêm. Ngoài ra, suốt đoạn đường xuyên rừng, hệ thống thông tin mạng chập chờn, thậm chí có đoạn đường bị mất hoàn toàn sóng thông tin nên không liên lạc được, đây là một trong những trở ngại khi ngành điện tiếp nhận thông tin hoặc xử lý sự cố. Tuy nhiên, ông Hoan cho biết: “Để khắc phục những khó khăn trên, bảo đảm an toàn về điện trong quá trình vận hành đường dây, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng công nhân luôn ứng trực với trang thiết bị và phương tiện đi lại phù hợp hoàn cảnh, thời điểm để có thể xử lý sự cố nhanh nhất, bảo đảm an toàn cho người dân cũng như an toàn trong phòng cháy, chữa cháy rừng”.

Nguồn: Đưa điện xuyên rừng

Ngọc Liên

baodongnai.com.vn