Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19

10:28 | 30/08/2021

|
Đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận trên 22,6 ngàn ca dương tính với Covid-19, trong đó có 186 ca tử vong. Số bệnh nhân có diễn biến nguy kịch và bệnh nặng dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) tặng quà cho lực lượng làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3 khi đến thăm, kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây.

Với sự hỗ trợ nhân lực từ các tỉnh bạn và các cơ sở y tế khác, ngành Y tế Đồng Nai đang tập trung nỗ lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, hạn chế mức thấp nhất số bệnh nhân Covid-19 tử vong.

* Tuân thủ phác đồ điều trị

BS Lê Văn Lương, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 3 (Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, từ ngày 15-7 bệnh viện đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 1,2 ngàn bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 730 trường hợp đã được điều trị khỏi, còn lại đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây đều là những người không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ.

Túc trực tại Bệnh viện Dã chiến số 3 từ ngày đầu đến nay, BS Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, hằng ngày anh cùng các đồng nghiệp trực tiếp thăm khám cho các bệnh nhân ở phòng cấp cứu dã chiến tại bệnh viện, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Trường hợp nào bệnh nặng cần thở oxy, trường hợp nào cần dùng thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp. Nếu bệnh nhân Covid-19 không đáp ứng với mức độ điều trị ban đầu là thở oxy, dùng thuốc… thì sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trường hợp nào có chuyển biến tốt thì giữ lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi, điều trị.

“Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân. Những bệnh nhân này được sắp xếp phòng, theo dõi trên các tầng lầu của bệnh viện, được chỉ định bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Bệnh nhân nào có bệnh nền thì tập trung điều trị bệnh nền. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như: đau nhức người, ho được cho dùng thuốc giảm đau. Những bệnh nhân có triệu chứng mức độ vừa, nặng được bố trí ở phòng cấp cứu để các y, bác sĩ thuận lợi trong việc theo dõi, điều trị và chuyển tuyến nếu cần thiết” - BS Hiệp cho hay.

Là người trực tiếp phụ trách điều hành hoạt động tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (ký túc xá cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) và Bệnh viện Dã chiến số 8 (Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2, H.Long Thành), BS Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, nhìn chung công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ không có nhiều khó khăn. Điều quan trọng để công tác điều trị đạt hiệu quả cao là các bệnh nhân phải nâng cao ý thức tự giác, phối hợp, chấp hành tốt các quy định, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

* Áp lực ở tầng 3 của tháp điều trị bệnh nhân Covid-19

Tầng 3 của tháp điều trị bệnh nhân Covid-19 là tầng điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hầu hết các trường hợp tử vong do Covid-19 đều ghi nhận ở tầng điều trị này, tập trung ở các khu hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, theo thống kê, cứ 100 bệnh nhân Covid-19 thì có 5 người bị bệnh nặng, trong đó có 2 người bệnh rất nặng. Những trường hợp này phải chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị để được hỗ trợ thở máy dòng cao, máy thở đa năng, lọc máu, ECMO… Nếu ở tầng 2 của tháp điều trị hết oxy hoặc trình độ chuyên môn của bác sĩ chưa đảm bảo, phác đồ điều trị chưa cập nhật… sẽ gây nhiều áp lực cho tầng 3 của tháp điều trị. Do vậy, cần phải cố gắng giữ được tầng 1 và tầng 2, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tầng 3.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang khẩn trương bổ sung các điều kiện cần thiết để đưa vào sử dụng khu Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng đặt tại bệnh viện do Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, với 500 giường bệnh nặng cần phải có 300 bác sĩ, trong đó cần nhiều bác sĩ chuyên khoa hồi sức. Tuy nhiên, với điều kiện nhân lực bị dàn mỏng như hiện nay, đây là điều không thể. Bệnh viện đang vừa phải làm công tác điều trị vừa phải đào tạo tại chỗ để sau vài tháng nữa, các bác sĩ nội, ngoại, sản, nhi có thể thực hiện hồi sức được để kịp thời cứu chữa bệnh nhân, hạn chế bệnh nhân tử vong.

Ngoài yếu tố nhân lực, bệnh viện rất cần có thêm máy thở, thuốc men, trang thiết bị máy móc đi kèm, đặc biệt phải có đủ oxy để kịp thời cấp cứu bệnh nhân khi cần thiết, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong. Những bệnh nhân bị viêm phổi nặng chuyển sang suy đa cơ quan, suy thận, suy gan thì bắt buộc phải lọc máu nhưng bệnh viện hiện mới chỉ có 1 máy lọc máu, ít nhiều khó khăn trong công tác điều trị.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có 24 bệnh viện, cơ sở y tế, khu cách ly đang tiếp nhận, theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ mức không có triệu chứng đến bệnh nặng, nguy kịch.

Nguồn: Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19

Hạnh Dung

baodongnai.com.vn