Du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế

12:00 | 03/04/2024

|
Trong quý I, các ngành kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế có mức tăng trưởng nhẹ. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch đến địa phương này tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế, từ đó giúp tổng doanh thu du lịch của Thừa Thiên Huế tăng cao so với cùng kỳ năm trước...
Du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo số 156/BC-UBND ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt 891,8 nghìn lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 446,9 nghìn lượt, tăng 74,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 1.710 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động thương mại, giá cả, lũy kế 3 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội của Thừa Thiên Huế ước đạt hơn 13.252 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.757 tỷ đồng, chiếm 73,6%, tăng 11,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 ước giảm 0,73% so với tháng trước, bình quân 3 tháng ước tăng 3,9% so với cùng kỳ.

THU NGÂN SÁCH HƠN 2.600 TỶ ĐỒNG

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 của tỉnh này ước đạt 250,6 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi, dệt các loại ước đạt 44,6 triệu USD, giảm 14,5%; hàng may mặc ước đạt 120,3 triệu USD, giảm 12%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 37,4 triệu USD, gấp 4,9 lần.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 Thừa Thiên Huế ước đạt 215 triệu USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 0,95 triệu USD, giảm 58,9%; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 123,8 triệu USD, tăng 60%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 57,2 triệu USD, tăng 70,3%.

Lũy kế 3 tháng qua, vận tải hành khách của Thừa Thiên Huế ước đạt 8.923 nghìn lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 5.545 nghìn tấn, tăng 16%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.273,3 tỷ đồng, tăng 17%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tính chung quý I ước tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 3,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 27,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,7%.

Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh này có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Tôm đông lạnh 817 tấn, tăng 8,5%; Xi măng 344 nghìn tấn, tăng 10,8%; sợi các loại 26,6 nghìn tấn, tăng 12%; quần áo lót 90,7 triệu sản phẩm, tăng 4,7%.

Ngược lại, các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: Bia 70,8 triệu lít, giảm 4,6% so với cùng kỳ; men frit 56,9 nghìn tấn, giảm 6,6%; điện sản xuất 315,3 triệu KWh, giảm 33,9%.

Thu ngân sách nhà nước quý I/2024 của tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 2.610 tỷ đồng, bằng 22% dự toán và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỉnh này thu nội địa ước đạt 2.423 tỷ đồng, bằng 22% dự toán và tăng 9,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 185 tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán và tăng 33%; thu viện trợ, huy động đóng góp 1,8 tỷ đồng, bằng 15,4% dự toán và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 2.533 tỷ đồng, bằng 16% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 700 tỷ đồng, bằng 12% dự toán.

DỰ KIẾN KHỞI CÔNG 9 DỰ ÁN

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 tháng của Thừa Thiên Huế ước đạt 5.259 tỷ đồng, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn do Trung ương quản lý 1.047 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch, tăng 1,4%; vốn do địa phương quản lý 4.212 tỷ đồng, bằng 15,8% kế hoạch, tăng 9,3%.

Giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến thời điểm báo cáo là gần 732 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch. Tỉnh này đang tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2,...

Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế dự kiến khởi công mới 9 dự án với tổng số vốn đã giao là hơn 605 tỷ đồng. Trong đó, có các dự án trọng điểm như: Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh; Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường Vành đai 3; Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh…Đến nay, một số dự án đầu tư công trọng điểm của Tỉnh đã hoàn thành, được đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư như dự án: Đường Phú Mỹ - Thuận An, Đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), các dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

DOANH NGHIỆP TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG GIA TĂNG

Tính đến 25/3/2024, Thừa Thiên Huế có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.164 tỷ đồng, tăng 3% về lượng và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 127 doanh nghiệp, giảm 2 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 390 doanh nghiệp, tăng 124 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 29 doanh nghiệp, giảm 7 doanh nghiệp.

Về thu hút đầu tư, từ đầu năm đến này tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 13 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 3.527 tỷ đồng. Trong đó, Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 7 dự án đầu tư với vốn đăng ký 2.411 tỷ đồng (trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn 27 triệu USD). Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 6 dự án với vốn đăng ký hơn 1.116 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn 3,2 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư cho 2 dự án với vốn tăng thêm 90,8 tỷ đồng.

Nguồn: Du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

vneconomy.vn