Giá gạo xuất khẩu lấy lại "ngôi vương", gạo Việt tiếp tục giữ vững tại thị trường trọng điểm

15:00 | 06/05/2024

|
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự tăng giá nhẹ lấy lại vị trí dẫn đầu. Dự báo giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm nay ước khoảng 600 USD/tấn. Dù vậy, ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu nói riêng vẫn có những khó khăn nhất định.

Giá gạo xuất khẩu lấy lại 'ngôi vương'

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 3 - 8 USD/tấn. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 585 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 1 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 470 USD/tấn.

Với mức điều chỉnh này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại vị trí dẫn đầu. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn.

Với gạo 25% tấm, hiện gạo Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 23 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 13 USD/tấn; gạo 100% tấm của Việt Nam cũng đang cao hơn lần lượt 21 USD/tấn và 25 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan.

Giá gạo xuất khẩu lấy lại "ngôi vương", gạo Việt tiếp tục giữ vững tại thị trường trọng điểm

Thị trường trong nước, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do vụ Đông Xuân ở khu vực này đã cơ bản thu hoạch xong.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá hầu hết các loại lúa đi ngang như: Đài thơm 8 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg, OM 18 cũng từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600 – 7.700 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Trước đó, trong tháng 4, giá lúa diễn biến trái chiều tùy theo từng chủng loại. Giá thu mua lúa ướt IR50404 tại An Giang đạt 7.450 đồng/kg, giảm 90 đồng/kg so với tháng 3 nhưng tăng 1.305 đồng/kg (21,2%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó giá lúa OM5451 tại An Giang và Kiên Giang lần lượt đạt 7.489 đồng/kg (tăng 33 đồng/kg) và 7.400 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg), so với cùng kỳ năm 2023 tăng lần lượt 18% và 16,8%.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu lớn về sản lượng. Điển hình tại thị trường Philippines, chiếm 46,4% tổng lượng và 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1 triệu tấn.

Đứng thứ hai là Indonesia, xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn. Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia cũng tăng 28,8% về lượng, 60,6% kim ngạch và 24,7% về giá so với quý I/2023, đạt 98.917 tấn.

Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.

Chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo hiện nay chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng; tần suất và quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, hiệu quả kỳ vọng từ các thương nhân.

Do đó, trong năm 2024, Bộ Công Thương xác định xúc tiến thương mại là hoạt động quan trọng, tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đều đặn, để kịp thời hỗ trợ thương nhân đáp ứng tốt tín hiệu thị trường, mở rộng thị phần tại các khu vực tiềm năng.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác. Cụ thể, đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.

Giá gạo xuất khẩu lấy lại "ngôi vương", gạo Việt tiếp tục giữ vững tại thị trường trọng điểm

Với thị trường Philippines, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024 - 2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hàng năm lên tới 1,5 - 2 triệu tấn gạo trắng.

Đối với các thị trường mới, Bộ Công Thương đã ký với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc khai thác các thị trường ngách như Senegal, Singapore cũng là một trong những giải pháp mà các Thương vụ Việt Nam tại 2 quốc gia này tập mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

Riêng thị trường tiềm năng Trung Quốc, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang nước bạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo.

Tận dụng cơ hội phá kỷ lục xuất khẩu

Theo thông tin từ Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 vào khoảng 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn cả năm 2023. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 nhằm đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra. Như vậy, thuế suất đối với gạo nhập khẩu sẽ vẫn ở mức 35%.

Với thị trường Indonesia, Chính phủ nước này dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông cũng được dự báo tăng nhập khẩu trong năm nay.

Giá gạo xuất khẩu lấy lại "ngôi vương", gạo Việt tiếp tục giữ vững tại thị trường trọng điểm

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, so với tổng quan năm 2023, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu tiên của năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan. Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam phải đối mặt một số thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024. Cùng với đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.

Vì vậy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo năm nay. Tuy vậy, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Đồng thời, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các thương nhân chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Nguồn: Giá gạo xuất khẩu lấy lại 'ngôi vương', gạo Việt tiếp tục giữ vững tại thị trường trọng điểm

Trung Anh

thuongtruong.com.vn