Giữ cho nguồn nước mát lành

06:15 | 27/02/2024

|
Đến với Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, du khách không chỉ được thưởng thức nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn được đắm mình trong vẻ đẹp của những thác nước hùng vĩ, hồ nước tự nhiên lớn nhỏ và các dòng sông ngầm trong bazan...

Đắk Lắk có hệ thống sông suối phong phú cùng hàng trăm hồ chứa và hồ tự nhiên lớn nhỏ, với tổng diện tích hơn 42.000 ha. Nổi bật, các nhánh sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn Đắk Lắk được xem là nơi có nguồn lợi thủy sinh vật tự nhiên phong phú nhất của hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên.

Toàn tỉnh hiện có 43 di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích gắn với thác nước hùng vĩ, với những câu chuyện truyền thuyết cùng vẻ đẹp mang đậm hơi thở của núi rừng cao nguyên, được thiên nhiên ưu ái ban tặng tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo. Đó là thác Gia Long – Dray Sáp thượng, Dray Nur (huyện Krông Ana); Krông Kmar (huyện Krông Bông); Thủy Tiên, Sơn Long (huyện Krông Năng); Dray K’Nao, thác Lồ Ô (huyện M’Drắk), Drai Dlông (huyện Cư M’gar); thác Bay (Ea Kar)…

Giữ cho nguồn nước mát lành
Du khách tham quan thác Dray Nur.

Đến với các dòng thác này, du khách có thể có được những trải nhiệm khó quên khi được hòa mình, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên đẹp của núi rừng; gác lại những mệt nhọc của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Ông Trần Văn Long (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ, dù đã nhiều lần đến tỉnh Đắk Lắk nhưng lần nào đi du lịch hay có chuyến công tác trở lại thì ông cũng tìm đến tham quan, trải nghiệm ở những ngọn thác, hồ nước. Khi thì đi thác Dray Nur, lúc thì thác Thủy tiên hay hồ Lắk, hồ Ea Kao... bởi cái không khí trong lành, mát mẻ của dòng nước, rừng xanh khiến tâm trạng được thả lỏng, thư giãn rất nhiều. Sau những chuyến đi đó, ông còn đưa người thân đến Đắk Lắk du lịch trong dịp hè hay những kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng về kinh tế – xã hội đã tạo nên một áp lực lớn về tài nguyên nước. Những năm gần đây, nhiều dòng sông, con suối, thác nước không còn được như xưa, không ít di tích, danh lam thắng cảnh bị ảnh hưởng nặng nề, biến dạng, mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, tác động đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường phát triển du lịch. Trong đó, nguyên nhân do các nguồn nước mặt bị khai thác quá mức, cùng với việc các công trình thủy điện chặn dòng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của các yếu tố tự nhiên. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, thảm thực vật suy giảm và việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm trong đất. Đặc biệt, một số nơi nguồn nước cạn kiệt, không còn dòng chảy vào mùa khô khiến Đắk Lắk phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan tới nước như hạn hán và các loại thiên tai khác; điều này đã tác động không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Giữ cho nguồn nước mát lành
Hồ Ea Kao - điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến Buôn Ma Thuột.

Ông Lê Phúc Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này và chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương có danh thắng cần có sự thay đổi trong tư duy đến hành động mang tính đột phá để phát triển bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào Êđê ở Đắk Lắk nói riêng, nước có vai trò hết sức quan trọng đối với con người, cho nên người dân cũng rất có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.

Vậy nhưng trên thực tế, vẫn còn những thách thức lớn về sự phân bổ không đồng đều tài nguyên nước theo cả thời gian và không gian; công tác quy hoạch phân bổ, quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa theo kịp nhu cầu phát triển; nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nước chưa được cao... Điều này dẫn tới tình trạng thiếu nước ở nhiều khu vực trong mùa khô, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và đời sống văn hóa của các dân tộc đồng bào Tây Nguyên.

“Đối với Tây Nguyên, nơi có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội gắn bó mật thiết đến tài nguyên nước lâu đời và mang đậm bản sắc thì vấn đề đảm bảo nước cho các hoạt động này là yêu cầu bức thiết đặt ra. Trong đó, giải pháp định hướng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước có thể lưu ý đến việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc; thu gom nước mưa, nước mặt; vận hành hiệu quả các hồ chứa lớn; xây dựng chính sách chia sẻ nguồn nước; rà soát quy hoạch thủy lợi; tăng cường áp dụng nghiên cứu khoa học công nghệ...”, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Thiết nghĩ, với tiềm năng vốn có, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cần đề ra các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, lâu dài nguồn nước; đồng thời bảo vệ nguồn nước khỏi bị cạn kiệt và ô nhiễm để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như kinh tế – xã hội địa phương.

Nguồn: Giữ cho nguồn nước mát lành

Thúy Hồng

baodaklak.vn