Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống

09:00 | 17/09/2024

|
Mỗi mùa Trung thu, làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) lại nhộn nhịp không khí làm nghề. Nơi đây, từng gia đình, từng thế hệ vẫn miệt mài sản xuất những món đồ chơi truyền thống giản dị, chứa đựng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống
Mặt nạ sau khi được bồi giấy và phơi khô sẽ được đem đi quét sơn và khắc họa các hình dạng con vật ngộ nghĩnh. (Ảnh: Lệ Giang)

Trong khi những sản phẩm đồ chơi đẹp mắt, hiện đại liên tục ra đời thì các món đồ chơi Trung thu truyền thống tại làng Ông Hảo vẫn bền bỉ “ra lò”, một lòng gìn giữ hồn dân tộc. Đối với người dân nơi đây, những sản phẩm ấy là tâm huyết, là nghệ thuật truyền qua nhiều thế hệ.

Những bàn tay khéo léo

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm đồ chơi ở đây đã có từ khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước.

Ban đầu, người dân chỉ làm những món đơn giản cho trẻ em trong vùng. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, thợ ở làng Ông Hảo dần phát triển nghề này thành một ngành sản xuất quy mô lớn, cung cấp đồ chơi mang lại niềm vui cho hàng triệu trẻ em khắp mọi miền đất nước.

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông, kể cả giấy phế liệu cũng được các nghệ nhân làng nghề “phù phép” để tạo ra những món đồ chơi Trung thu sặc sỡ, bắt mắt.

Mặt nạ giấy bồi là một trong những sản phẩm đặc trưng nhất của làng. Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua ba công đoạn cơ bản: tạo khuôn, bồi khô và sơn vẽ.

Các khuôn đúc mặt nạ bằng xi măng được chế tạo mô phỏng nhân vật truyền thống trong văn hóa dân gian Việt Nam như ông Địa, chú Tễu, các loài vật ngộ nghĩnh.

Sau đó, bằng các nguyên liệu thiên nhiên như bìa, giấy báo tái chế, hồ được làm từ bột sắn, từng chiếc mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn đổ sẵn.

Khi đã bồi xong, những chiếc mặt nạ được mang đi phơi nắng, thời gian khô phụ thuộc vào thời tiết.

Sau khi phơi khô, mặt nạ được đục mắt và bắt đầu công đoạn vẽ. Đây là công đoạn “thổi hồn” qua từng nét màu của người thợ, từng lớp sơn được tô vẽ liên tục nối tiếp nhau một cách tỉ mỉ và cẩn trọng.

Từ những vật liệu vô tri, qua sự “phù phép” của nghệ nhân làng nghề Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi lần lượt hiện ra sinh động, duyên dáng và hóm hỉnh, như nét văn hóa không thể pha trộn của con người Việt Nam.

Ông Vũ Huy Đông, một trong những người có tuổi nghề lâu năm tại làng, trải qua bao thăng trầm với nghề, cho biết ông đã luôn cố gắng gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.

Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với đồ chơi hiện đại có mẫu mã, tính năng đa dạng, phong phú, ông Đông phải không ngừng mày mò, cải tiến để các sản phẩm đồ chơi truyền thống sản xuất ra ngày càng hấp dẫn hơn.

Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống
Người dân làng nghề Ông Hảo tất bật chuẩn bị hàng vào vụ Tết Trung thu. (Ảnh: Lệ Giang)

Ngoài loại mặt nạ truyền thống với hình chú Tễu, Chí Phèo, các nhân vật hoạt hình, ông thường xuyên cập nhật các thiết kế mới được ưa chuộng trên Internet để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Ông chia sẻ: “Để đáp ứng thị hiếu hiện tại, gia đình tôi đã cải tiến khoảng 20 mẫu mã khác nhau, gắn với các hình tượng dân gian gần gũi hoặc 12 con giáp. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú ý dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để những sản phẩm mới vừa kịp bắt xu thế mà vẫn giữ được bản sắc xưa”.

Ngoài mặt nạ, những chiếc trống, mặt hàng từ thuở sơ khai của làng Ông Hảo, nổi tiếng không kém. Những chiếc trống tròn tựa như Mặt trăng ngày rằm tháng Tám và tiếng tùng ring rộn ràng khi rước đèn tạo sự náo nhiệt cho ngày Tết Trung thu, cũng là âm thanh gắn liền với tuổi thơ của biết bao người.

Ông Vũ Văn Hởi, đời thứ ba của một gia đình có truyền thống làm trống, chia sẻ: “Để làm ra những chiếc trống truyền thống, người thợ phải mất gần một năm chuẩn bị, năm nay làm hàng gối đầu cho năm sau”.

Ông cho biết, công việc thường bắt đầu từ tháng Chín dương lịch, thợ chính chọn mua gỗ bồ đề, gỗ mỡ về cắt khoanh, đẽo, tiện thành tang trống; mua da trâu về, xẻ thành từng mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu khoảng 5-7 ngày thì vớt ra.

Trong thời gian đó, cứ cách 1-2 ngày phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố. Da trâu sau khi vớt ra, đem phơi khô, cắt thành từng miếng tròn làm mặt trống rồi mang đi ráp với tang trống - công đoạn này gọi là bưng trống. Trống bưng xong, lại được đem đi phơi tiếp rồi mới quét sơn và vẽ hoa văn sao cho bắt mắt.

Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống
Một người trẻ trong làng học để tiếp nối nghề. (Ảnh: Lệ Giang)

Hồi sinh đồ chơi dân gian

Mùa Trung thu nữa lại về, những món đồ chơi dân gian từ ngôi làng nhỏ đang được đưa đi khắp mọi miền đất nước và khi ánh đèn lồng rực rỡ thắp sáng các con phố, đâu đó trong những chiếc mặt nạ, tiếng trống rộn ràng vang lên thể hiện tinh thần dân tộc luôn bền bỉ, sống động.

Sản phẩm đồ chơi của làng Ông Hảo không chỉ là đồ chơi, mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo, gìn giữ một phần hồn cốt của dân tộc. Đồng thời là cầu nối giữa các thế hệ, mang đến niềm vui cho trẻ em và sự tự hào đối với các nghệ nhân.

Dù có bề dày truyền thống, thế nhưng làng nghề Ông Hảo không tránh khỏi những khó khăn trong bối cảnh hiện đại.

Trước xu thế công nghiệp hóa mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, nghề làm đồ chơi truyền thống dần mất đi sự chú ý từ thế hệ trẻ.

Thêm vào đó, quá trình làm thủ công đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng thu nhập lại không cao, khiến không ít người trong làng bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác.

Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống
Ông Vũ Huy Đông, người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống tỉ mỉ “thổi hồn vào sản phẩm qua từng nét vẽ”. (Ảnh: Lệ Giang)

Tuy nhiên, hiện nay tại làng Ông Hảo, một số cơ sở sản xuất đã nhạy bén khi kết hợp sản xuất với hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, du khách.

Hằng năm, đặc biệt là dịp gần đến Tết Trung thu, thôn Ông Hảo thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.

Tại đây, du khách được giới thiệu về làng nghề, tham quan quy trình sản xuất và tham gia một số công đoạn làm đồ chơi truyền thống.

Dẫu biết thời gian trôi qua, cuộc sống có nhiều thay đổi, việc duy trì và phát triển làng nghề trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, vẫn còn đó những nghệ nhân tâm huyết như ông Đông, ông Hởi, một lòng kiên trì giữ nghề, không chỉ về kế sinh nhai mà còn vì tình yêu, khát vọng “hồi sinh” đồ chơi dân gian, góp phần khẳng định văn hóa là sức sống của dân tộc, đúng như tinh thần cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Nguồn:Giữ hồn dân tộc qua đồ chơi truyền thống

Lệ Giang

baoquocte.vn