Hà Giang: Bảo tồn lễ hội truyền thống,động lực phát triển du lịch
Theo thống kê, tỉnh hiện có 8 lễ hội cấp tỉnh, khu vực; 15 lễ hội cấp huyện; cấp xã 58 lễ hội. Trong đó, có 54 lễ hội dân gian, 11 lễ hội di tích lịch sử văn hóa;14 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch và 2 lễ hội ngành nghề. Các lễ hội được tổ chức hàng năm góp phần quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong nước và quốc tế các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều lễ hội trở thành thương hiệu DL nổi tiếng của tỉnh như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Lễ hội Khèn Mông… không chỉ thu hút đông đảo du khách mà còn góp phần quảng bá, khẳng định vị thế của Hà Giang trên bản đồ DL quốc tế.
![]() |
Lễ hội Bàn Vương xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của đồng bào người Dao. |
Nổi bật trong số các lễ hội là Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai đã tồn tại hơn 100 năm lịch sử, là phiên chợ đặc biệt trên Cao nguyên đá. Từ khi nâng tầm quy mô tổ chức lên cấp tỉnh, lễ hội được quảng bá rộng hơn trên các kênh thông tin đại chúng, trở thành sự kiện văn hóa – DL nổi bật. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Vai cho biết: “Lượng du khách tăng lên hằng năm đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh dịch vụ, lưu trú, bán hàng lưu niệm và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp bà con phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”.
Hiện nay, xu hướng DL tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Tỉnh ta có nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, bảo tồn với sự lan tỏa rộng rãi như: Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Bàn Vương của dân tộc Dao, Gầu Tào dân tộc Mông, Lễ cúng tổ tiên dân tộc Lô Lô… Các lễ hội này không chỉ tạo không gian độc đáo, giàu bản sắc mà còn thu hút nhiều khách DL đến trải nghiệm, khám phá. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho biết: “Trong chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang được T.Ư định hướng phát triển thành Khu DL Quốc gia. Trước bối cảnh thương mại hóa hiện nay, việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa các dân tộc là nguồn tài nguyên quý báu tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch Hà Giang. Trong đó, các lễ hội truyền thống là chìa khóa giúp du khách trải nghiệm sâu sắc hơn các tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số”.
![]() |
Đặc sắc lễ hội làng nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông huyện Quản Bạ. |
Với quan điểm “Lấy văn hóa để phát triển DL, lấy DL để bảo tồn, phát triển văn hóa”, tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, các lễ hội truyền thống được phục dựng trên cơ sở bảo tồn nét đẹp, xóa bỏ nội dung không còn phù hợp. Từ đó, lượng du khách đến các lễ hội cũng ngày càng đông hơn, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng ngành DL của tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh đã đón hơn 3,2 triệu lượt du khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 380 nghìn lượt du khách quốc tế; tổng doanh thu DL đạt hơn 8,1 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ghi dấu với giải thưởng “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.
Theo cơ quan chuyên môn, dù có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng hiện nay nhiều công ty và doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa mặn mà với các tour DL gắn với lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh. Các chương trình DL lễ hội chủ yếu đóng vai trò bổ trợ, làm phong phú thêm hành trình trải nghiệm của du khách, thay vì trở thành một tour cố định hay điểm dừng chân lâu dài. Kéo theo là các loại hình dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng... cũng chưa phát triển mạnh. Ông Phùng Ngọc Anh, Công ty Cổ phần Đầu tư DL Hà Nội chia sẻ: “Ngoài các sự kiện lớn được tổ chức theo chuỗi sự kiện và có quy mô thì hầu hết các lễ hội ở Hà Giang có quy mô vừa và nhỏ. Các lễ hội tổ chức ở nhiều vùng, miền khó khăn về điều kiện giao thông và lưu trú nên rất khó để đơn vị sắp xếp các tour DL với số lượng du khách lớn. Một số lễ hội còn tổ chức theo khuôn mẫu, đơn điệu, nội dung kịch bản gần như giống nhau nên du khách chưa có hứng thú đến xem”.
Muốn đưa các lễ hội truyền thống thành sản phẩm DL hấp dẫn, cần tập trung lựa chọn những giá trị nguyên gốc, giữ gìn bản sắc, tránh tình trạng lai căng, sân khấu hóa. Đồng thời, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành để đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo sức hút ấn tượng cho du khách. Việc xây dựng các chương trình DL gắn với lễ hội một cách bài bản, chuyên nghiệp, kết hợp với trải nghiệm thực tế sẽ giúp nâng cao giá trị văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp “không khói”.
Nguồn: Bảo tồn lễ hội truyền thống,động lực phát triển du lịch
Hoàng Hà
baohagiang.vn
- Tây Nguyên: Người có uy tín góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Hà Giang: Xín Mần đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia và gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện
- Khánh Hòa nâng tầm phát triển
- Lâm Đồng: Tập trung xóa nhà tạm, một mục tiêu nhân văn
- Di sản nghề khảm xà cừ: Góc nhìn đương đại từ nghệ sĩ nước ngoài
- Hà Giang: Bảo tồn lễ hội truyền thống,động lực phát triển du lịch
-
Vực Hòm - Tuyệt tác của thiên nhiên
-
Nhiều kỷ lục tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2025
-
Điều gì làm nên sức quyến rũ của Hà Giang với du khách quốc tế?
-
Tour du lịch Đền Hùng về đêm có gì độc đáo?
-
Đêm nhạc hội Traditional Fashion Talent 2025: Vinh danh di sản áo dài và trang phục 54 dân tộc Việt Nam
-
Thông điệp đầy cảm hứng về hành trình "vượt bão" và tầm nhìn chiến lược của Vinamilk
-
Tạp chí Sức khỏe Việt và Công ty CP Truyền thông Nhị Vân ký kết Biên bản Hợp tác toàn diện
-
PV GAS và PETRONAS tăng cường hợp tác trong lĩnh vực LNG
-
PVFCCo - Phú Mỹ và Vùng 4 Hải quân ký kết quy chế hoạt động giai đoạn 2025-2030