Hà Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), song song với xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; góp phần hoàn thành tiêu chí văn hóa và tạo nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là ngành Du lịch.
Hà Giang, vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi hội tụ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 19 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số ít người như: Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y… Theo số liệu kiểm kê di sản văn hóa của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể, 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh các cấp, 32 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, còn có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đang tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị để tiếp tục tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Trình diễn Lễ hội Lẩu Then của đồng bào dân tộc Tày, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) năm 2024. Ảnh: Trần Kế |
Với quan điểm văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, tỉnh xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, được đặt ngang tầm với các nhiệm vụ trong phát triển KT-XH và xây dựng NTM. Theo đó, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai đồng độ, hiệu quả. Tiêu biểu là việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình Hội Nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn; tích cực triển khai việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng; phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian; hỗ trợ phát triển làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống; đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các nhà trường.
Tại xã NTM Pả Vi (Mèo Vạc), nơi có phần lớn dân cư sinh sống là đồng bào dân tộc Mông, những năm qua, xã chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động như: Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn kiến trúc nhà trình tường; phối hợp mở các lớp truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ; thành lập các câu lạc bộ, Hội Nghệ nhân dân gian; giữ gìn nghề dệt vải lanh và may trang phục dân tộc Mông. Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được nâng lên; nhiều hủ tục được đẩy lùi, xóa bỏ. Đặc biệt, tại khu vực trung tâm xã Pả Vi, các hộ dân ở hai bên đường chung tay xây dựng hàng rào đá theo kiến trúc truyền thống của người Mông dài gần 2 km chạy dọc đường Quốc lộ 4C, tạo nên một không gian đậm nét văn hóa, vừa bản sắc, vừa hiện đại.
![]() |
Phụ nữ xã Xuân Giang (Quang Bình) bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đan nón là hai mê. Ảnh: Bằng Lang |
Tương tự, tại xã NTM Phương Độ (thành phố Hà Giang), việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nổi bật là các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, văn nghệ dân gian tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả; đồng bào dân tộc Dao, Tày trên địa bàn xã thường xuyên sử dụng tiếng nói, trang phục truyền thống; các lễ hội dân gian như lễ hội Lồng Tồng, Bàn Vương thường xuyên được duy trì tổ chức; kiến trúc nhà sàn truyền thống được giữ gìn. Cũng nhờ thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, năm 2024, xã có thôn Tha được UBND tỉnh công nhận lại đạt các tiêu chí “Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Đáng chú ý, vừa qua cụm homestay thôn Tha được nhận giải thưởng Homestay Asean 2025.
Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục lồng ghép việc bảo tồn văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Việc bảo tồn văn hóa không chỉ dừng lại ở gìn giữ các giá trị truyền thống mà tỉnh còn gắn kết với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo nền tảng vững chắc để Hà Giang phát triển một cách bền vững.
Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp tỉnh giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Đây cũng là hướng đi đúng đắn trong quá trình xây dựng NTM, giúp diện mạo nơi cực Bắc ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Nguồn: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới
Trần Kế
baohagiang.vn
-
Hẹn nhau nơi -“cổng trời” Hang Kia
-
Dự báo thời tiết ngày mai (7/2): Bắc Bộ chuyển rét đậm, vùng núi rét hại; Trung Bộ mưa rào, cục bộ mưa to và giông; phía Nam ngày nắng
-
Dự báo thời tiết ngày mai (6/2): Bắc Bộ trời rét, mưa nhỏ rải rác, vùng núi có rét đậm, rét hại; phía Nam ngày nắng
-
CLB Công an Hà Nội toàn thắng vòng bảng cup Đông Nam Á
-
Các chuỗi bán lẻ lớn mở rộng mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt
-
PV GAS PIPE khởi động năm mới với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành vượt mục tiêu 2025
-
MU từng ra ‘tối hậu thư’ cho hậu vệ Patrick Dorgu
-
PVChem quyết tâm bứt phá ngay từ những ngày đầu năm mới 2025
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập đoàn THACO phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo