Hà Giang: Chuyện tổ chức Lễ hội Tung còn ngày xưa

15:00 | 02/02/2025

|
Không biết Lễ hội Tung còn của một số dân tộc Tày, Nùng, Thái, Giáy… ở miền núi đã có từ bao giờ; các cụ cao niên cũng chỉ biết là đã có từ xa xưa và bảo rằng: Hội Tung còn hay Hội Xuống đồng là một; nói là lễ hội mới đúng, vì hôm đó phải tổ chức làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trước đây việc tổ chức lễ hội do các chức sắc trong thôn chỉ đạo, lúc đó thôn rộng lớn bằng mấy thôn bây giờ mà số hộ cũng chưa đến 100 hộ. Ngày nay việc tổ chức lễ hội có nơi đã làm ở quy mô toàn xã, nhưng cách thức tổ chức có nơi đã giản tiện hơn nhiều so với ngày xưa.
Hà Giang: Chuyện tổ chức Lễ hội Tung còn ngày xưa
Người dân thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) vui hội Tung còn. Ảnh: PV

Ngày xưa cứ vào đầu tháng Chạp hàng năm, lãnh đạo các thôn thường tổ chức tổng kết năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm mới và thống nhất tổ chức chu đáo Lễ hội Tung còn vui Xuân cho bà con. Sau ngày 23 tháng Chạp, Ban lãnh đạo thôn họp mời đại diện chi bộ, các tổ chức đoàn thể và lực lượng dân quân, y tế để thống nhất thành lập Ban tổ chức lễ hội; dự kiến các môn thi đấu, chi mua vật liệu, mức chi thưởng cho từng môn thi. Thưởng tung còn thường là chăn chiên đỏ, chậu nhôm và khăn mặt, còn các trò chơi dân gian thưởng bằng tiền và có chi hỗ trợ cho công tác phục vụ chung. Phân công Đoàn Thanh niên chuẩn bị sân bãi, thường là mượn bãi ruộng 1 vụ của hộ gia đình ở khu trung tâm; lấy cây Mai làm cột còn và làm 2 sào dài có ngoàm chống, làm vòng nguyệt (tượng trưng cho linh vật con gái). Cột còn phải đúng quy cách về độ cao, đường kính của vòng nguyệt và dán giấy màu các vòng bên trong bảo đảm đẹp, mưa nhỏ không bị bong, phải quay các mối buộc xuống không để quả còn bị giắt trên đỉnh cột hay mắc vào các mối buộc nối; làm giàn đặt mâm cúng, rải lá cọ thành hàng ngang để đặt mâm liên hoan nhẹ; cử các đội làm sảng và tổ chức đánh sảng, kéo co, cà kheo, bắn nỏ… có trọng tài phụ trách các môn. Phụ nữ phải dự kiến số lượng quả còn (tượng trưng cho linh vật của người con trai) và phải dùng cát mịn để nhồi quả còn, vải khâu quả còn phải chắc, khâu kín không bị bung, dây còn phải chắc không bị đứt và dài bằng nửa sải tay người lớn có gắn tua xanh đỏ, có thêu tên người làm. Khi đi lễ hội phải mặc trang phục dân tộc. Thôn xóm được phân công phải chuẩn bị 1 mâm lễ cúng tại nơi tung còn, gồm 1 con gà luộc, mấy cái bánh Chưng gù và các loại bánh tự làm, rượu, chè, đèn, vàng hương, cành đào, các loại quả tự sản xuất được. Đặt cạnh mâm cúng còn có 1 nắm thóc, 1 nắm ngô hạt, 1 nắm hạt bông vải, mấy quả còn. Các thôn xóm khác phân công mỗi nhóm 6 hộ chuẩn bị 1 mâm cơm liên hoan nhẹ gồm 1 chai rượu, các loại bánh và thức ăn đã làm chín; lực lượng dân quân đảm nhiệm về trật tự trị an; Ban tổ chức thông báo đến Nhân dân về ngày, giờ, địa điểm tổ chức lễ hội, quán xuyến chỉ đạo chung, mời thầy cúng làm phần lễ…

Đúng 9 giờ sáng lễ hội được bắt đầu, khi các bộ phận được phân công và Nhân dân đã có mặt đông đủ thì người chỉ đạo phải đứng trên bục cao quan sát toàn cảnh, thông báo bằng loa tôn cầm tay về chương trình lễ hội, giới thiệu đại biểu đến dự, chào mừng bà con trong thôn và các thôn, xã khác đã đến chung vui; thông báo các môn thi đấu và giải thưởng cụ thể cho từng môn… Để thông tin thuận lợi luôn có 1 người liên lạc nắm bắt diễn biến tình hình cụ thể từng phần việc, báo cáo với người chỉ đạo lên loa để nhắc nhở quán triệt chung. Khi mâm cúng đã được đặt lên giàn gần nơi chôn cột còn, các mâm liên hoan nhẹ được bày đặt thành hàng dài trên chiếu và lá cọ, đại diện Ban tổ chức mời thầy cúng cúng rừng trước, sau đó cúng nơi tung còn: Cầu mong một năm mới mọi người trong thôn có sức khỏe dồi dào, không bị thiên tai dịch bệnh; mong các thần linh làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi cúng xong, thầy vãi các loại hạt giống rồi mới cho liên hoan nhẹ, đại diện các hộ được dịp ăn cơm đầu Xuân với nhau, chúc rượu nhau vui vẻ nhưng không được quá chén. Sau khi liên hoan, thầy cúng cho dựng cột còn, phải tập trung đông người mới dựng được; cột phải dựng thẳng đứng, 2 mặt nguyệt phải hướng về 2 phía Bắc – Nam, để ánh nắng không làm ảnh hưởng đến các bên thi đấu. Người chỉ đạo hướng dẫn cho thanh niên đứng sang 2 bên, 1 bên nam, 1 bên nữ với số người bằng nhau, chờ phát lệnh thi đấu, thầy cúng trao còn cho 2 đội và ra hiệu phát lệnh tung trước, sau đó mới đến các thành phần lứa tuổi khác vào sân tung còn; người khác thôn, khác xã cũng được tham gia. Trong thời gian thi đấu, mọi người có thể lên cầm loa hát Then, hát Cọi hay hát các bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước; để lấp thời gian trống vắng Ban tổ chức có thể mượn đài radio về mở cho phát vào loa. Khi có người tung thủng vòng nguyệt thì phải thông báo chúc mừng tên, địa chỉ người tung trúng, người đón được quả còn và chủ nhân quả còn là ai. Sau khi có người tung xuyên thủng vòng nguyệt lần 1 thì Hội phụ nữ đưa hết số còn dự phòng ra phục vụ, động viên mọi người cố gắng lấy giải Nhì và giải Khuyến khích, tạo ra không khí sôi động mới.

Sau khi các môn thi kết thúc, Ban tổ chức công bố trao giải thưởng, đồng thời biểu dương các bộ phận phục vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chúc các vận động viên đã may mắn và toàn thể Nhân dân một năm mới sức khỏe, hạnh phúc. Mời các bộ phận phục vụ và đoàn thanh niên ở lại cùng nhau hạ cột còn, thu dọn sạch sẽ sân bãi trả lại sân cho thôn hay ruộng cho chủ hộ. Sau lễ hội, tất cả các quả còn đã hỏng hay còn tốt đều phải vứt bỏ vào rừng; riêng con sảng còn tốt có thể mang về ngâm bùn, sang năm sử dụng lại. Lễ hội kết thúc cũng là thời điểm vui Xuân kết thúc, người dân bước vào thời vụ mới, trong không khí vui vẻ phấn khởi.

Nguồn: Chuyện tổ chức Lễ hội Tung còn ngày xưa

Đinh Minh Tùng

baohagiang.vn