Hà Giang: Xúc động trước Di tích lịch sử Quốc gia Nàn Ma
Vượt quãng đường hơn 300 km, đây là lần thứ 2 ông Nguyễn Văn Cường, 85 tuổi, quê ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đến với Di tích lịch sử Quốc gia Nàn Ma (Xín Mần). Năm 2018, ông Cường đã tìm được nơi anh trai của mình hy sinh cùng các đồng đội sau 60 năm ròng rã đi tìm và đợi chờ.
Trở lại Xín Mần trong những ngày tháng Tư rực lửa, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bình minh trên mảnh đất phía Tây Hà Giang, tia nắng nhẹ trải vàng trên những hàng cây xanh rì len lỏi qua giọt sương còn đọng trên kẽ lá. Có mặt tại khu Di tích lịch sử Quốc gia Nàn Ma từ rất sớm, ông Nguyễn Văn Cường cùng 2 người cháu ôm chặt bó hoa cúc vàng và những nén hương thơm, chậm rãi bước từng bậc cầu thang lên dâng hương cho các liệt sỹ. Trên tấm bia đá lớn của khu di tích, đôi mắt của người em trai năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn tinh anh lướt đọc từng chữ và dừng lại tại vị trí số 5, vị trí ghi danh Liệt sỹ Nguyễn Văn Miên, chính là anh trai ruột của ông Cường. Rồi như không thể kìm nén, ông khuỵ gối xuống, hai tay run rẩy chạm vào bia đá, nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Cường, em trai của Liệt sỹ Nguyễn Văn Miên và 2 người cháu dâng hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ - Đoàn văn công, Trung đoàn 148, ở thôn Nàn Ma, xã Nàn Ma. |
Ông Cường, người em trai đã dành cả đời để đi tìm người anh cả của gia đình lên đường nhập ngũ năm 1951, rồi mãi mãi không trở về. Ông Cường giọng run run vì xúc động nhưng vẫn nhớ như in từng chi tiết khi nói về người anh trai: Tôi vẫn nhớ ngày anh Miên đi bộ đội khi mới 21 tuổi và mới lấy vợ được hai ngày. Mãi 2 tháng sau gia đình tôi mới nhận được bức thư ghi vài dòng “Con đi bộ đội, hiện nay đang ở xa”. Đó là bức thư và tin tức cuối cùng của anh trai tôi.
Ký ức đau đáu ấy là ngọn lửa thôi thúc ông Cường gần như suốt cuộc đời. Từ đó, hành trình đi tìm anh trai bắt đầu. Ông Cường căn cứ vào giấy báo tử và địa điểm ghi trên đó, nhờ tất cả anh em bạn bè, đồng đội tại đơn vị trước đây anh trai mình nhập ngũ, kể cả các địa phương quyết tìm dấu vết của anh trai. Nhưng địa điểm ghi trên giấy báo tử của anh trai không chính xác nên hàng chục năm trời đều không có tin tức. Dẫu sức khỏe ngày một yếu, ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Mãi đến năm 2018, khi Trung đoàn 148 tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập, ông vô tình đọc được những trang kỷ yếu của Trung đoàn. Ông đã tìm thấy thông tin địa điểm chính xác của anh trai và đồng đội hy sinh đó là ở xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ngay lập tức, ông Cường cùng các cháu đi thẳng lên Nàn Ma và tại đây trên bia đá, ngay vị trí số 5 khắc tên liệt sỹ Nguyễn Văn Miên.
![]() |
Bài thơ “Tìm thấy anh” được ông Cường viết năm 2018, khi ông tìm thấy nơi anh trai mình hy sinh. |
Đứng trước tấm bia đá khắc tên chung của các liệt sỹ, trong đó có tên anh trai, ông Cường bật khóc sau 60 năm mới tìm thấy nơi anh mình hy sinh. Trong niềm xúc động vô bờ bến, ông Cường đã viết lên bài thơ “Tìm thấy anh”. Trong bài thơ có đoạn viết:
“Em đi tìm anh ở Nàn Ma
Nơi anh yên nghỉ một ngôi nhà
Tấm bia khắc đậm tên liệt sỹ
Đây rồi: Anh tôi ở số Năm
Gần sáu chục năm đi tìm anh
Khôn thiêng an nghỉ chỗ anh nằm
Hương trầm lan tỏa Tây Côn Lĩnh
Đời đời dân bản nhớ thương anh”.
Nhớ về anh trai nhưng vì lý do sức khỏe nên sau 7 năm ông Cường mới trở lại thăm Di tích lịch sử Quốc gia Nàn Ma. Mái tóc ông nay đã bạc phơ với đôi mắt đỏ hoe, niềm xúc động vẫn tuôn trào, càng nghẹn ngào hơn, khi nhìn xuống giếng sâu nơi ghi tội ác của bọn Phỉ đã giết và ném xác các anh, chị trong Đoàn văn công. Khoảnh khắc ấy, những người có mặt tại khu di tích đều không kìm được xúc động. Những giọt nước mắt, không chỉ của một người em đã tìm lại được anh, mà là của cả một thế hệ vẫn đau đáu vì những vết thương chiến tranh chưa khép lại.
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Xín Mần: Trung tuần tháng 5.1952, Đoàn văn công Trung đoàn 148 được lệnh từ Hà Giang trở về tỉnh Lào Cai phục vụ. Trên đường hành quân về Lào Cai, đoàn bị bọn Phỉ đánh úp và chiến đấu anh dũng, 11 thành viên trong Đoàn văn công đã hy sinh tại xã Nàn Ma. Năm 2006, khu di tích lịch sử Nàn Ma được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và được Đảng bộ huyện Xín Mần tổ chức xây dựng hoàn thành Khu tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Đoàn văn công Trung đoàn 148 tại thôn Nàn Ma. Ngày 20.11.2024, Di tích lịch sử Nàn Ma được công nhận là Di tích Quốc gia theo Quyết định 3549 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trở lại Xín Mần lần này, ông Cường là thân nhân liệt sỹ được địa phương mời dự Lễ công bố Di tích lịch sử Nàn Ma là di tích Quốc gia. Ông Cường tâm sự: Tuổi tôi cũng đã cao, không biết sẽ lên thăm các liệt sỹ được nữa không. Tôi hạnh phúc khi tìm thấy nơi anh mình hy sinh và khi di tích được công nhận cấp Quốc gia. Tôi mong muốn di tích sẽ được quan tâm đầu tư mở rộng để xứng đáng với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, để thân nhân liệt sỹ và Nhân dân được biết đến nhiều hơn. Đồng thời là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nguồn: Xúc động trước Di tích lịch sử Quốc gia Nàn Ma
Văn Liong
baohagiang.vn
-
Hang Rái – Khúc giao hòa kỳ ảo giữa đá và sóng
-
Hà Giang vào top 44 địa điểm đẹp nhất thế giới
-
PVCFC duy trì nền tảng tài chính ổn định, đạt kết quả khả quan trong quý I/2025
-
Ngắm biển Đồng Châu “ảo diệu” trong ánh bình minh
-
Hàng trăm doanh nghiệp "đổ bộ" Triển lãm Kho vận và Tự động hóa Việt Nam
-
F88 chính thức trở thành công ty đại chúng
-
Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
-
Lâm Đồng: "Lát gạch xanh" trên bản đồ cà phê bền vững
-
Vinamilk – điểm tựa đáng tin cậy của hàng triệu gia đình Việt