Hội Lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

23:47 | 17/06/2024

|
Ngày 16/6, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh phối hợp với Hội Lọc máu Việt Nam đã tổ chức chương trình kỷ niệm 52 năm Ngày Lọc máu chu kỳ đầu tiên (20/6/1972 - 20/6/2024). Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng phát triển trong công tác điều trị bệnh thận.

Hội lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh tặng hoa chúc mừng buổi lễ.

Tham dự có PGS.TS. Lê Việt Thắng - Phó Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Trưởng Bộ môn Thận - Lọc máu, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y; Bác sĩ Hồ Đắc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam; Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Hùng - Phó Tổng thư ký Hội Lọc máu Việt Nam; Bác sĩ CK II. Trần Quang Trịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh; ông Nguyễn Quý Cẩn - Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Mê Linh; đại diện các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc; các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh và các bệnh nhân chạy thận...

Hội Lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

PGS.TS.BS Lê Việt Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Lọc máu Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, PGS.TS.BS Lê Việt Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Lọc máu Việt Nam, chia sẻ, lọc máu là phương pháp điều trị giúp cơ thể loại bỏ lượng chất dư thừa và các chất thải ra khỏi máu khi chức năng của thận gặp vấn đề. Ở người khỏe mạnh, chức năng của thận có khả năng lọc từ 120-150 lít máu mỗi ngày. Trường hợp thận gặp vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng, không thể lọc máu hiệu quả như trước, dẫn đến tình trạng tích tụ chất thải trong máu. Vấn đề này rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh hôn mê, ngưng tim và nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1943, máy lọc máu đầu tiên trên thế giới ra đời, sau hơn 30 năm, ngày 20/6/1972 ca lọc máu đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó đến nay, trải qua hơn 50 năm, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, thành công lớn nhất của Việt Nam là ca bệnh một phụ nữ đang mang thai được điều trị lọc máu sinh con thành công vào năm 2015, điều này chứng minh sự phát triển của chuyên ngành lọc máu Việt Nam.

Bệnh thận mạn tính là một bệnh lý có liên hệ mật thiết với nhiều bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, và các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra, bệnh còn có thể phát triển do các nguyên nhân như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, và do lạm dụng thuốc giảm đau. Khi bệnh thận mạn tính tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với suy thận - giai đoạn nghiêm trọng nhất yêu cầu phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Theo PGS.TS.BS Lê Việt Thắng, hiện tại Việt Nam có khoảng 41.000 người đang thực hiện lọc máu chu kỳ, với tần suất từ 2-3 lần mỗi tuần để duy trì cuộc sống, 7000 bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối được ghép thận, chiếm khoảng 0,8%. Nhiều bệnh nhân vẫn có thể tham gia lao động và đóng góp cho xã hội. Công tác lọc máu chu kỳ tại Việt Nam hiện nay đã sánh ngang tầm khu vực.

Hội Lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

BSCKII Trần Quang Trịnh, Giám đốc BVĐK huyện Mê Linh phát biểu tại buổi lễ.

BSCKII Trần Quang Trịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh chia sẻ, bệnh viện là bệnh viện đa khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế có quy mô 280 giường kế hoạch và 394 giường thực kê, tổ chức bộ máy gồm 21 khoa, phòng và 3 đơn nguyên, với tổng số 318 cán bộ, viên chức, và người lao động. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 600 - 800 bệnh nhân ngoại trú và 300 bệnh nhân nội trú.

Đơn nguyên Thận nhân tạo của bệnh viện được thành lập nhằm điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cần chạy thận nhân tạo, bắt đầu hoạt động từ ngày 10/1/2022, tổng số bệnh nhân điều trị trong đợt là 178 người, số lượt điều trị là 717 lượt. Đến năm 2023, đơn nguyên này đã được Sở Y tế thẩm định để điều trị cho bệnh nhân thông thường với 29 bệnh nhân được điều trị.

Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/3/2024 với 9 cán bộ chuyên môn. Bệnh viện đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại như 10 máy chạy thận (05 máy nipro, 5 máy toray), 1 máy monitor, 1 bộ đặt ống nội khí quản, 1 máy hút đờm, hệ thống oxy tường và nước RO… Khoa Thận nhân tạo thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến như lọc máu chu kỳ, lọc máu cấp cứu, và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân suy thận mạn. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho 43 bệnh nhân, số lượt chạy thận là 2.566 lượt.

Hội Lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

Bệnh nhân chạy lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện huyện Mê Linh

BSCKII Trần Quang Trịnh cho biết, bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp khoa Thận nhân tạo, hướng tới việc thành lập trung tâm lọc máu với quy mô khoảng 30 máy chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ triển khai thêm các kỹ thuật như lọc màng bụng, lọc máu hấp thụ, và quản lý bệnh nhân sau ghép thận nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân.

Việc đầu tư và phát triển các trang thiết bị hiện đại cũng như kỹ thuật tiên tiến trong điều trị chạy thận nhân tạo là cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành y tế.

Nguồn: Hội Lọc máu Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Mê Linh: Nâng cao điều trị chạy thận nhân tạo

PV

suckhoeviet.org.vn