Khánh Hòa: Màu xanh trên vùng cát trắng

10:00 | 21/06/2024

|
Song hành với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những năm qua, ngành Hậu cần Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ, chủ động tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Trong đó, đơn vị đặc biệt quan tâm việc tăng gia sản xuất để đáp ứng nguồn rau xanh, thực phẩm cải thiện bữa ăn của bộ đội.

Tích cực tăng gia sản xuất

Khu tăng gia tập trung của Lữ đoàn 162 hiện nay là hệ thống liên hoàn theo mô hình “vườn, ao, chuồng” hiện đại. Để có được những vườn rau, củ quả xanh mướt đủ chủng loại, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, vượt nắng, thắng mưa, bỏ hàng trăm ngày công lao động quy hoạch, cải tạo vùng cát trắng khô cằn, nước ngầm bị nhiễm phèn nặng để trở thành những khu tăng gia sản xuất tốt tươi.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 tích cực tăng gia sản xuất.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 tích cực tăng gia sản xuất.

Với diện tích hơn 2.000m2 trồng rau, hơn 600m2 ao cá, hơn 1.000m2 chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu tăng gia được thiết kế hệ thống nhà màng kiên cố, hiện đại với hệ thống tưới tiêu tự động chia thành từng ô, thửa. Ở đây trồng nhiều loại rau không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của bộ đội tại các bếp ăn tập trung khi các tàu thực hiện nhiệm vụ tại bến, mà còn đảm bảo cung cấp rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, kể cả những đêm các tàu nhận lệnh đi làm nhiệm vụ đột xuất, dài ngày trên biển.

Để nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, cán bộ, nhân viên ngành quân nhu của lữ đoàn đã tiếp thu kiến thức canh tác gieo trồng, chăm sóc rau xanh theo công nghệ tiên tiến do Hiệp hội Hoa Đà Lạt và Nhà máy Đạm Phú Mỹ chuyển giao; đồng thời chủ động nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực đóng quân để lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp theo mùa. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Cao Văn Cường, nhân viên Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Lữ đoàn 162 chia sẻ: “Trong quá trình trồng rau, chúng tôi tự ươm giống chờ đến khi sinh trưởng tốt mới đưa ra trồng để đảm bảo cây sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh và cho năng suất cao”.

Cùng với việc tích cực tăng gia bảo đảm nguồn rau xanh, Lữ đoàn 162 đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tại, đơn vị đã nuôi được đàn heo thịt hơn 200 con, heo rừng lai hơn 100 con và hàng ngàn con gia cầm. Do điều kiện thời tiết quanh năm nắng nóng, gió biển thường xuyên tác động nên để cho đàn heo phát triển và sinh sản tốt, khu chăn nuôi đã được bố trí ở nơi hạn chế thấp nhất sự tác động của gió biển; đồng thời đơn vị lựa chọn con giống chất lượng để hạn chế dịch bệnh. Thiếu tá Đoàn Văn Công - Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Lữ đoàn 162 cho biết: “Đơn vị xây dựng mô hình tăng gia sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh, đa dạng các sản phẩm, trong đó có những sản phẩm vượt từ 5 đến 8% so với quy định của cấp trên như: Thịt gia súc, gia cầm, trứng, đậu phụ, rau xanh… góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Nguồn cung từ tăng gia sản xuất đáp ứng tốt cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của lữ đoàn”.

Nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội

Hàng năm, các tàu của lữ đoàn thường xuyên thực hiện những chuyến công tác dài ngày trên các vùng biển xa. Trước mỗi chuyến đi, tàu đều được bảo đảm các loại hàng hóa hậu cần. Có những thời điểm, tàu vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về đến đất liền lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đột xuất ra biển ngay. Do vậy, công tác hậu cần phải luôn sẵn sàng bảo đảm cho tàu lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay. Thượng tá Phạm Anh Tuấn - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: “Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn cũng như ngành Hậu cần rất quan tâm đến hoạt động tăng gia sản xuất. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã bỏ rất nhiều công sức để cải tạo vùng đất khô cằn trở thành vườn rau tốt tươi; cũng như có đàn gia súc, gia cầm ngày càng phát triển. Cùng với ao nuôi cá đã cung cấp nguồn thực phẩm sạch, giảm giá thành cho các bếp ăn tập trung nhằm cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe cho bộ đội.

Thu hoạch rau xanh nhập bếp ăn tập trung của đơn vị.
Thu hoạch rau xanh nhập bếp ăn tập trung của đơn vị.

Điểm đặc biệt ở Lữ đoàn 162 là bộ đội trên tàu đều biết làm bánh mì để bảo đảm khẩu phần ăn khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đại úy Thiều Xuân Chiến - Trợ lý quân nhu, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Lữ đoàn 162 chia sẻ: “Lữ đoàn đã chủ động huấn luyện cho 100% cán bộ, chiến sĩ của các tàu về cách làm bánh mì để phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển. Đây là khẩu phần ăn chế biến sẵn được tính toán đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bộ đội trong quá trình huấn luyện hoặc khi điều kiện sóng gió phức tạp, không thể bảo đảm bữa ăn truyền thống”.

Trên mỗi hải trình, việc bảo đảm bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu không đơn giản như ở đất liền. Những “anh nuôi” luôn là những người thầm lặng, phục vụ tận tụy, chu đáo bữa ăn cho các thành viên trên tàu. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đậu Xuân Thiệu, nhân viên tên lửa Tàu 012 - Lý Thái Tổ chia sẻ: “Việc bảo đảm phục vụ bữa ăn cho bộ đội khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển được chúng tôi luân phiên nhau đảm nhiệm để có bữa ăn ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được phân công đảm nhiệm vai trò “anh nuôi”, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực hết sức để đúng giờ quy định là có bữa cơm ngon, canh ngọt phục vụ đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, trực canh, đi ca”.

Tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đầy đủ, toàn diện các mặt công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên và đột xuất, trong mọi tình huống khi có lệnh điều động tàu xuất phát ra khơi thực hiện nhiệm vụ, ngành Hậu cần của Lữ đoàn 162 luôn bảo đảm đủ các loại vật chất hậu cần theo quy định. Đây là một trong những khâu quan trọng để mỗi con tàu vững tin ra khơi hoạt động trên biển trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào.

Nguồn: Màu xanh trên vùng cát trắng

Lê Ngọc

baokhanhhoa.vn