Khánh Hòa: Nâng tầm phát triển công nghiệp

10:01 | 18/01/2025

|
Ngành Công nghiệp của tỉnh đã 3 năm liên tiếp có mức tăng trưởng 2 con số. Để duy trì và nâng cao mức tăng trưởng công nghiệp trong năm 2025, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành các công trình dự án và sớm đưa vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp (CCN).

Duy trì đà tăng trưởng

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, năm 2024, ngành Công nghiệp của tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 27,15% so năm 2023. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức 2 con số (năm 2022 tăng 21,68%, năm 2023 tăng 13,69%). Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp là ngành sản xuất và phân phối điện tăng gấp 2,36 lần.

Khánh Hòa: Nâng tầm phát triển công nghiệp
Khánh Hòa định hướng trở thành trung tâm logistics, kết nối của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ thông qua hệ thống cảng ở Vân Phong.

Đối với tình hình phát triển các khu công nghiệp (KCN), đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế Vân Phong (bao gồm KCN Ninh Thủy) đã thu hút được 146 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 5,1 tỷ USD, vốn thực hiện 3,27 tỷ USD; trong đó có 104 dự án đã đi vào hoạt động, 45 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng; giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động. KCN Suối Dầu đã thu hút được 60 dự án đầu tư, vốn đăng ký đầu tư 317,96 triệu USD, vốn thực hiện 263,32 triệu USD; trong đó có 50 dự án đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng; tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; giải quyết việc làm cho 13.000 lao động. KCN Dốc Đá Trắng mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; nhà đầu tư đang tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng (dự kiến quý II/2025 sẽ khởi công giai đoạn 1 với quy mô khoảng 100ha). Các dự án KCN khác như: Nam Cam Ranh, Ninh Diêm 3 đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.

Ngoài ra, đến nay, tỉnh có 9 CCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 362,6ha. Trong đó, 7 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng, tổng diện tích hơn 278ha; 2 CCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại quản lý với tổng diện tích hơn 84ha. Đến nay, đã có 6 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 218ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 82%; thu hút được 82 dự án đầu tư; giải quyết việc làm cho khoảng 4.440 lao động.

Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, so với mức tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công nghiệp tỉnh đang có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Để có sự tăng trưởng này, ngành sản xuất và phân phối điện có đóng góp lớn nhất với mức tăng gấp 2,36 lần. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN và đẩy mạnh thu hút đầu tư thứ cấp. Sở Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng được đẩy mạnh, quan tâm thực hiện đến công tác cải cách hành chính, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí và thời gian. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh để tạo bước đột phá về năng lực sản xuất.

Định hướng cho năm 2025

Theo định hướng, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành Công nghiệp theo hướng hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, như: Đóng tàu, chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ yến sào, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử... Tỉnh ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; công nghiệp vật liệu mới, cơ khí chế tạo chính xác; công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp dược, nghiên cứu phát triển ngành sản xuất vắc xin, dược liệu biển.

Khánh Hòa: Nâng tầm phát triển công nghiệp
Bốc xếp hàng ở Cảng tổng hợp quốc tế Nam Vân Phong.

Ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2025, tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại dự báo sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp. Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng yêu cầu lãnh đạo Sở Công Thương triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Đề án Phát triển ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại. Cùng với đó, luôn chủ động bám sát tình hình thực tế của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành các công trình dự án và sớm đưa vào hoạt động tại KCN Ninh Thủy, KCN Dốc Đá Trắng, CCN Sông Cầu, CCN Trảng É 2, CCN Diên Thọ, CCN Ninh Xuân... Đồng thời, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng Đề án chiến lược “Tái cơ cấu thương mại và phát triển các trung tâm logistics đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ đến năm 2030”. Sở cũng phải triển khai các giải pháp đẩy mạnh, tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các dịch vụ cảng biển; kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối với các doanh nghiệp logistics để tăng cường sử dụng dịch vụ logistics với chi phí hợp lý.

Nguồn: Nâng tầm phát triển công nghiệp

Đình Lâm

baokhanhhoa.vn