Lạ lùng 'trồng' nhà máy năng lượng mặt trời trên ruộng muối, biển và sa mạc

08:36 | 27/10/2023

|
Với nỗ lực theo đuổi năng lượng sạch và tích hợp đa nhiệm, Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia dẫn đầu về phát triển ngành công nghiệp quang điện toàn cầu.

Toạ lạc phía trên một ruộng muối có diện tích 1.333,33 ha (tương đương 13,3 km2), nhà máy điện mặt trời 3 trong 1 này sử dụng thửa đất rộng có quy mô bằng 1.868 sân bóng đá tiêu chuẩn cho ba chức năng cùng lúc: sản xuất năng lượng từ pin mặt trời, sản xuất muối từ ánh sáng mặt trời và nuôi trồng thủy sản.

Ước tính mỗi năm, nhà máy năng lượng mặt trời Thiên Tân tạo ra khoảng 1,5 tỷ kWh điện sạch, đáp ứng nhu cầu của 1,5 triệu hộ gia đình. Bước tiến kết nối nhà máy tích hợp khổng lồ này với lưới điện đã thể hiện quy mô và khả năng sáng tạo vượt tầm thế giới của Trung Quốc.

Lạ lùng 'trồng' nhà máy năng lượng mặt trời trên ruộng muối, biển và sa mạc

Khoảng cách giữa các dãy tấm pin mặt trời tại đây được mở rộng đến 14 mét - gần gấp đôi khoảng cách thông thường cùng với thiết kế tấm pin đặt nghiêng 17 độ - thay vì nghiêng 40 độ như ở các nhà máy năng lượng mặt trời khác, nhằm tận dụng tối đa lượng ánh nắng mặt trời chiếu vào để phục vụ cho quá trình làm muối.

Một điểm khác biệt làm nên thành công của dự án tích hợp lớn nhất thế giới này là các tấm pin mặt trời được thiết kế có thể hấp thụ năng lượng từ cả hai mặt trước và sau giúp tăng hiệu suất phát điện từ 5-7%.

Theo báo cáo được nhóm dự án công bố, khi hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ tiết kiệm 500.000 tấn than tiêu chuẩn mỗi năm và giảm 1,25 triệu tấn khí thải CO2.

Nhà máy năng lượng mặt trời chống sa mạc hoá

Toạ lạc tại vùng sa mạc Kubuqi, phía bắc Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, cơ sở năng lượng điện quang tích hợp chống sa mạc hoá này là dự án được phát triển bởi Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc và Tập đoàn Năng lượng Nội Mông. Việc xây dựng đã được triển khai từ cuối tháng 12/2022 cho tới nay.

Dự án xây dựng cơ sở năng lượng trên sa mạc là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, giảm sự phụ thuộc vào các loại khí đốt tự nhiên.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, cơ sở năng lượng xanh này sẽ có công suất lắp đặt lên tới 16 triệu kW, và có thể truyền tải khoảng 40 tỷ kWh điện năng đến các khu vực thủ đô Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc mỗi năm. Việc sử dụng năng lượng gió và mặt trời sẽ thay thế khoảng 6 triệu tấn than và giảm 16 triệu tấn phát thải C02 ra môi trường hàng năm.

Nguồn: Lạ lùng 'trồng' nhà máy năng lượng mặt trời trên ruộng muối, biển và sa mạc

AM