Lai Châu: Làm trang phục chuẩn bị đón tết

10:26 | 08/12/2021

|
Khi cái rét tràn về trên núi non vùng cao cũng là lúc bà con các dân tộc trong tỉnh bước vào mùa thêu hoa văn làm áo, váy chuẩn bị may trang phục đón tết Nguyên đán.

Người dân vùng cao thường chia thời gian thành các mùa như mùa làm nương, mùa trồng ngô, lúa, mùa thu thảo quả. Và mùa làm trang phục đón tết được bà con chọn vào thời điểm những tháng cuối năm khi công việc đồng áng đã khép lại.

Để hoàn thành bộ trang phục truyền thống cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, do đó hàng năm cứ vào tháng 10 âm lịch, chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lào, Thái, Hà Nhì... lại miệt mài thêu hoa văn lên những tấm vải thổ cẩm. Một số chị em cặm cụi thêu tại nhà, một số chị em tập trung ở góc sân hay ngồi thêu trên những mỏm đá nơi đầu bản.

Chợ phiên San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) vui nhộn bởi người dân các địa phương đến mua bán nông sản, lương thực thực phẩm, phương tiện sản xuất. Những quầy hàng thổ cẩm, phụ kiện may áo váy của đồng bào được các chị em phụ nữ ghé vào nhiều nhất. Đếm sơ sơ tôi cũng thấy khoảng 40 quầy bán mặt hàng thổ cẩm, phụ kiện may mặc. Trong số đó, có người mới vào nghề cũng có người bán được hơn 10 năm như chị Hảng Thị Di, Vàng Thị Dung xã Giang Ma (huyện Tam Đường). Các mặt hàng bày bán khá đa dạng, có cả sản phẩm thêu tay và những phụ kiện khác để cách tân trang phục. Cuối năm, số lượng khách hàng mua đông, có chị bán sản phẩm thu nhập khoảng từ 700 – 1 triệu đồng/phiên chợ.

Lai Châu: Làm trang phục chuẩn bị đón tết
Người dân mua thổ cẩm thêu tay tại chợ phiên San Thàng.

Chị Cứ Thị Bàu ở xã Khun Há (huyện Tam Đường) mang đến chợ phiên San Thàng những tấm thổ cẩm do chị thêu từ nhiều tháng trước. Với giá từ 800 – 1,2 triệu đồng/tấm, màu sắc đẹp tinh tế, đường thêu đều, sản phẩm của chị vừa bày ra đã bán nhanh. Chị Bàu cho biết: Năm nay khi đã thêu đủ số tấm thổ cẩm gia đình dùng thì tôi thêu thêm để bán. Với 4 tấm thổ cẩm tôi bán được gần 4 triệu đồng.

Sau những ngày mưa dầm dề, nắng vàng như mật lại trải đều trên khắp bản Hào Nghè, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên). Tranh thủ lúc nông nhàn nhiều phụ nữ dân tộc Lào lại bầu bạn với khung cửi tiếp tục công việc dệt sợi. Trước sự giao thoa các nền văn hóa, đã có lúc tưởng chừng như nghề dệt thổ cẩm nơi đây bị mai một nhưng người Lào ở Hào Nghè vẫn quyết tâm giữ bản sắc văn hóa. Với họ, việc làm đó không vì kinh tế mà đơn giản là vì truyền thống dân tộc, cũng là nhắc nhở họ luôn hướng về nguồn cội. Vì vậy, từ thế hệ này đến thế hệ kia nghề dệt vải cứ nối dài mãi.

Tiếng khung cửi lách cách phát ra từ gia đình chị Lò Thị Lăm khiến chúng tôi tò mò chú ý. Tuy lần đầu gặp mặt, nhưng chị Lăm thân mật với chúng tôi như đã quen từ lâu. Chị niềm nở: Thời điểm này, những người phụ nữ trong bản đều dành thời gian dệt vải. Ngày tết là ngày rất đặc biệt trong năm vì vậy trang phục mặc trong ngày tết được bà con chuẩn bị trước đó rất lâu nhất là trang phục người phụ nữ.

Mảnh sân của gia đình chị Giàng Thị Sai người dân tộc Mông ở bản Thành Lập, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) mấy ngày nay đông vui bởi các chị em trong bản đến thêu hoa văn làm áo, váy. Ai cũng trò chuyện rôm rả thi thoảng lại góp vui bằng những tiếng cười rộn rã, nhưng bàn tay chị nào chị ấy thoăn thoắt xe chỉ luồn kim thêu xà cạp, thắt lưng, tay áo với những họa tiết như hình xoắn ốc, hình vuông, zic zắc biểu tượng cho các con vật, loài hoa... mà không chút nhầm lẫn. Chị Sai cho biết: Ngày nay có rất nhiều áo váy thời trang bày bán nhưng chúng tôi vẫn phải tự may để mặc, đây là điều chúng tôi muốn lưu giữ nhằm nhắc nhở con cháu về nét đẹp và bản sắc dân tộc.

Có thể thấy ngày nay với sự phát triển của công nghệ dệt may đã tạo nhiều sản phẩm giúp cho việc lựa chọn quần áo của nhiều người dễ dàng hơn song trên địa bàn tỉnh phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ được tập tục may trang phục truyền thống chuẩn bị cho những ngày tết. Điều đó góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh dân tộc, thể hiện sự cần cù, sáng tạo lưu giữ bản sắc văn hóa của bà con.

Nguồn: Làm trang phục chuẩn bị đón tết

Hoài Thương

baolaichau.vn