Lâm Đồng: Khai thác văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng
![]() |
Du lịch cộng đồng tại P'ró, huyện Đơn Dương |
MIỀN DI SẢN VĂN HÓA
Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã được giao nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng” với việc tuyển chọn đơn vị thực hiện 2 - 3 mô hình du lịch, trong đó có ít nhất 1 mô hình khai thác các giá trị văn hóa bản địa Lâm Đồng. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá thực trạng, xác định tiềm năng, làm cơ sở đề xuất giải pháp khả thi để phát triển bền vững du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tại Lâm Đồng, một số mô hình du lịch đã nổi tiếng và mang lại hiệu quả cao như: Mô hình du lịch cộng đồng tại Bidoup - Núi Bà là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET), cải thiện sinh kế thông qua giáo dục về nông nghiệp và môi trường. Để giúp lan truyền những giá trị văn hóa Tây Nguyên, Khu du lịch Lang Biang đã hợp tác với những bản làng xung quanh cùng xây dựng nên chương trình biểu diễn cồng chiêng tại Thung lũng Trăm Năm…
Hay tại Đơn Dương là mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hoá của đồng bào dân tộc Churu: khai thác các giá trị Không gian văn hoá Cồng chiêng của đồng bào Churu, nghề thủ công truyền thống gồm nghề gốm, nhẫn bạc, đan lát, làm rượu cần ở xã Lạc Xuân, Tu Tra, P'ró; ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa. Du lịch cộng đồng cùng làng nghề với sản phẩm bánh tráng Lạc Lâm: Tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tráng thủ công của các hộ gia đình di cư từ vùng Kinh Bắc vào Đơn Dương hơn 30 năm, hình thành làng sản xuất bánh tráng gia truyền Lạc Lâm đặc biệt là thưởng thức món bánh tráng nướng mắm ruốc do người trong làng sáng tạo và đã trở thành sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Kết hợp du lịch tham quan ngắm cảnh dựa trên vẻ đẹp hoang sơ của cảnh quan tự nhiên như thác nước Cha Tây, thác Thiên Thai, đồi thông Châu Sơn, hồ Ma Đanh, hồ Đạ Ròn, hồ Đa Nhim, những đồi hoa dại; tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hoá của đồng bào Churu như nhà thờ Ka Đơn, nhà thờ cổ Churu.
Còn ở Di Linh, cuối tháng 2 vừa qua, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn huyện. Theo đó, xác định phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; gắn với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương; đồng thời, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; lồng ghép với các nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn...
ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC HIỆU QUẢ
Với tiềm năng dồi dào, phong phú về thiên nhiên và văn hóa, người dân toàn tỉnh đã biết tận dụng, khai thác "mỏ vàng" này để biến thành động lực phát triển kinh tế. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Các mô hình du lịch cộng đồng có sự kết hợp giữa sản xuất, canh tác nông nghiệp với phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn mang lại nguồn sinh kế ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Các mô hình này đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng của từng địa phương, góp phần đa dạng hóa và tránh tình trạng trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương.
Chia sẻ lợi ích, đồng hành phát triển đã, đang được nhiều điểm đến du lịch triển khai hiệu quả. Phát triển du lịch cộng đồng vừa là bảo tồn văn hóa, vừa phát huy các giá trị vốn có. Để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa khác biệt, trước tiên, cần một cộng đồng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ lợi ích. Cùng với đó là sự song hành, chung tay, định hướng của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương.
Để du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Lâm Đồng, cần gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có trải nghiệm thực tế tại các làng nghề; gắn du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đồng thời, kế hoạch cũng hướng đến phấn đấu mỗi huyện xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; các làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; 1 điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc...
Nguồn: Khai thác văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng
Diễm Thương
baolamdong.vn
-
Mẹ đẻ của Á hậu Tú Anh khoe vẻ đẹp quý phái
-
PVcomBank trao tặng xe ô tô phục vụ công tác chung cho Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức
-
Hòa Minzy được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
-
Trợ lý CLB Công an Hà Nội lao vào tranh cãi, cầu thủ phải can ngăn
-
Giá điện tăng lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5
-
Nàng á khôi gây chú ý ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2025
-
Lâm Đồng: Nhận diện "điểm nghẽn” của du lịch
-
Ngoại hình U60 gây ngỡ ngàng của nàng hậu 'độc nhất vô nhị' Việt Nam
-
Soi nhan sắc “thăng cấp” của diễn viên Diệu Nhi