Lâm Đồng: Liên kết với nông dân sản xuất trứng OCOP

05:00 | 19/04/2025

|
Một thương hiệu trứng gà, trứng cút xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Đơn Dương vừa được công nhận, mang lại niềm vui lớn cho người nông dân. Đây là thành công của một liên kết giữa doanh nghiệp và những người nông dân chăn nuôi.
Lâm Đồng: Liên kết với nông dân sản xuất trứng OCOP
Ông Phạm Tín thu hoạch trứng gà

DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ - NÔNG DÂN CHĂM SÓC

Ông Vũ Ngọc Quốc Duy, nông dân thôn Pró Kinh Tế, xã Quảng Lập đang chăm sóc bầy cút chuyên đẻ trứng. Ông Duy cho biết, đây là trại cút đẻ trứng được dựng trên đất của gia đình, nhưng ông chỉ nuôi gia công, doanh nghiệp cung ứng từ giống cút, cám, thuốc cũng như tư vấn kỹ thuật, nông dân chỉ cần gia công chăm sóc và thu hoạch. “Gia đình tôi đang nuôi gia công cho Cơ sở trứng sạch Nguyễn Bá cùng trên địa bàn xã Quảng Lập. Cơ sở Nguyễn Bá đầu tư cho nông dân tất cả, gia đình tôi chỉ cần chăm sóc, doanh nghiệp sẽ thu lại 100% trứng cút. Nuôi gia công cho doanh nghiệp có thuận lợi là nông dân không cần bỏ vốn nhiều, được trả công dựa trên năng suất trứng và có thêm khoản thu nhập từ phân cút”, ông Duy thông tin.

Theo ông Duy, cút giống khi mang về được 3 tuần, nông dân nuôi thêm 3 tuần là cút bắt đầu đẻ. Sau 5 tháng, cút đạt tỷ lệ đẻ cao nhất, tới trên 95%, sau đó giảm dần và sau 12 - 14 tháng, lứa cút sẽ thải loại để thay lứa mới. “Thực sự giá trứng cút cũng có lên, có xuống, nhiều lúc chỉ hòa vốn. Bù lại, trại cút của gia đình tôi thu được lượng phân rất lớn, vừa ủ để sử dụng trong vườn của gia đình, vừa cung ứng cho các nông hộ xung quanh. Một tháng, trại có thể thu được 60 triệu đồng tiền phân cút, là nguồn thu rất ổn định cho gia đình”, ông Duy thông tin.

Sau 4 năm hợp tác cùng cơ sở Nguyễn Bá theo mô hình doanh nghiệp đầu tư - nông dân gia công, ông Duy đang tính tới chuyện liên kết với doanh nghiệp theo hướng tự đầu tư giống, cám, thuốc và chăm sóc, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ kĩ thuật đồng thời bao tiêu sản phẩm. Theo ông Duy, với kinh nghiệm bốn năm, ông tự tin sẽ đạt năng suất cao. Một số nông hộ đang liên kết với cơ sở Nguyễn Bá đã chuyển từ việc nuôi gia công qua việc liên kết - bao tiêu sản phẩm. Hình thức này mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Hiện tại, ông Duy đang có hai nhà nuôi cút. Sắp tới, ông sẽ mở thêm một nhà nuôi cút, liên kết với cơ sở trứng Nguyễn Bá để sản xuất trứng.

TRỨNG SẠCH OCOP

Ông Phạm Tín, chủ cơ sở trứng sạch Nguyễn Bá, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương là một nông dân địa phương, trước đây, làm nghề tài xế, thường chạy xe chở các mặt hàng trong đó có trứng. Nhận thấy trứng là mặt hàng tiềm năng cũng như nắm được một số thông tin về đầu ra, ông mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi gà, cút thu trứng tại gia đình. “Trứng cút, trứng gà là thực phẩm rất quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình. Bản thân gia đình tôi, nếu chỉ sản xuất trứng trong nội bộ thì chỉ có thể cung cấp theo hướng nhỏ lẻ. Nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như tìm được đầu ra, tôi nghĩ tới việc đầu tư cho nông dân xung quanh để mở rộng quy mô nuôi gà, nuôi cút lấy trứng”, ông Tín đánh giá. Gà và cút nuôi lấy trứng tại khu vực Quảng Lập rất hợp do khí hậu ổn định, nền nhiệt ít thay đổi. Tuy nhiên, ông Tín cũng tư vấn, hướng dẫn nông dân kĩ thuật chăn nuôi rất kỹ, giúp người nông dân có thể chủ động được trong việc chăm sóc gà và cút.

Hiện tại, cơ sở Nguyễn Bá đang liên kết với 6 trại cút và 5 trại gà, thu 300 cây trứng gà (90 ngàn trứng) và 400 ngàn trứng cút một ngày. “Nông dân Quảng Lập vốn quen với trồng la-ghim nên khi tôi vận động bà con nuôi cút, nuôi gà lấy trứng, nhiều nông hộ còn ngại ngần. Vì vậy, tôi thực hiện mô hình doanh nghiệp đầu tư, nông dân chăm sóc. Nhưng dần dần, bà con nhận thấy mô hình liên kết theo hướng nông dân đầu tư - doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có lợi hơn. Hiện tại, đã có 2 hộ chuyển sang tự đầu tư và Nguyễn Bá sẽ bao tiêu trứng”, ông Tín cung cấp.

Theo ông Tín, từ năm 2020 tới nay, sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở Nguyễn Bá và các nông hộ chăn nuôi đã mang lại nguồn trứng ổn định để cơ sở có thể mở rộng hệ thống phân phối. Được sự hỗ trợ của xã Quảng Lập, cơ sở Nguyễn Bá đã xây dựng sản phẩm trứng OCOP nhằm phân phối trứng vào các hệ thống cửa hàng sạch, siêu thị. “Liên kết với nông dân, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân là hướng đi bền vững để các sản phẩm nông nghiệp đạt sản lượng ổn định, giúp doanh nghiệp có thể xây dựng được kế hoạch phân phối hợp lý. Là một người con của đất Quảng Lập, tôi rất tự hào đã xây dựng được một liên kết chặt chẽ với những người nông dân, bà con xung quanh của chính gia đình mình”, ông Phạm Tín chia sẻ.

Ông Hoàng Ngọc Bảo Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lập cho biết, trứng gà sạch Nguyễn Bá là sản phẩm OCOP mới của Đơn Dương. Được thành lập từ năm 2020, ngay giữa đỉnh dịch COVID-19, cơ sở Nguyễn Bá đã xây dựng được một liên kết ổn định với trên 10 nông hộ trong vùng, đảm bảo thu nhập tốt cho nông dân. Cơ sở đang mở rộng thêm các trang trại liên kết với doanh nghiệp nhằm tăng khả năng cung ứng trứng sạch ra thị trường, mang lại một hướng chăn nuôi hiệu quả cho người nông dân.

Nguồn: Liên kết với nông dân sản xuất trứng OCOP

Diệp Quỳnh

baolamdong.vn