Lâm Đồng: Mùa xuân khát vọng ở Tiểu khu 179
Niềm vui của trẻ em trong ngày khai giảng năm học mới |
Tiểu khu 179 là một bản làng nhỏ thuộc xã Liêng S'rônh, nằm giáp ranh với tỉnh Đắk Nông, bao quanh là núi rừng và dòng sông Sêrêpốk hiền hòa. Tại đây có hơn 100 hộ dân sinh sống với gần 700 nhân khẩu. Tất cả đều là người đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền Bắc di cư vào khai hoang, sinh sống.
Xuân Ất Tỵ này, niềm vui đến trên từng nếp nhà. Vừa kết thúc vụ thu hoạch cà phê được mùa, được giá, ai nấy đều vui mừng sắm sửa đồ dùng mới, con trẻ có được tấm áo mới vui mừng đón xuân. UBND xã cũng đã hoàn tất bàn giao trang thiết bị cho phân trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng vừa xây dựng xong và đưa vào hoạt động. Sóng điện thoại cũng đã phủ đến nơi đây, dần dà trong các gia đình đã có đủ ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh...
Anh Lý A Phử vào đây sinh sống từ năm 2006, khi ấy, bản làng không đường sá, không trường học, không trạm y tế, không điện, không sóng điện thoại, đời sống vô cùng khó khăn. Thoáng nhìn bà con chạy xe máy trên con đập bê tông bắc qua sông trước mắt khiến anh bất giác nhớ lại ngày tháng xưa. Suốt nhiều năm khi chưa có đập, mọi di chuyển của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào con đò nhỏ. Vào mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết khiến cả làng bị tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, phải đợi khi nước rút cạn dần mới có thể trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình anh Lý A Phử có 4 ha cà phê, thu nhập bình quân hàng năm trên 300 triệu đồng. Trong niềm vui, anh A Phử chia sẻ: "Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà con chúng tôi sinh sống tại đây và bây giờ kinh tế của chúng tôi cũng khá, đầy đủ hơn trước".
Nằm trong Ban tự quản của Tiểu khu 179, anh Sùng A Tủa (sinh năm 1988) khẳng định rằng, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đã giúp cuộc sống của người dân ổn định hơn. Con em các gia đình cũng được đến trường. Anh kể, trước đây người Mông đến huyện Đam Rông sinh sống trong rừng chỉ quen trồng bắp, trồng mì. Nhờ có những cơ hội đi đây đó, lại được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha mì sang trồng cà phê. Từ đó, mỗi năm, gia đình anh thu được trên 200 triệu đồng. Cách đây ít lâu, anh Tủa mở 1 sân bóng đá mini, cứ chiều chiều lại thu hút trẻ em, thanh niên trong làng đến chơi. Để xây dựng được sân bóng, anh Sùng A Tủa đã nhiều lần ra xã học hỏi. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tuy lợi nhuận không cao nhưng đổi lại là niềm vui của con cháu và trẻ em trong làng. Năm nay, cà phê được giá, anh quyết tâm duy trì và xây thêm căn nhà nhỏ ngay sân bóng để các cháu vào nghỉ ngơi, tránh mưa, tránh nắng.
Đặc biệt, năm 2024 khi bão Yagi đổ bộ gây thiệt hại cho bà con miền Bắc, sau khi nhận được sự kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông, anh Tủa đã ủng hộ 10 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn với nhiều người nhưng đó là tất cả số tiền gia đình anh có trong thời điểm đó. Anh Tủa, tâm sự: "Năm đó, con mình sinh ra không được lành lặn, lại hay đau ốm liên miên. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ phương tiện đưa cháu đi chạy chữa và vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí chữa trị. Tuy cháu không qua khỏi, nhưng tình cảm còn đó. Giờ nghe lời kêu gọi hướng về miền Bắc ruột thịt, mình cũng chỉ nghĩ nên làm gì đó để giúp đỡ bà con". Nghĩ là làm, anh đã đi xe máy băng rừng đến Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện gửi tiền quyên góp.
Những năm gần đây, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, chính quyền huyện Đam Rông và xã Liêng S'rônh đều cử cán bộ vào thăm hỏi, nắm bắt tình hình dân cư, đồng thời tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hộ dân trong Tiểu khu 179 được hỗ trợ phát triển sản xuất và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội như: Được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, cấp căn cước, ít nhất là cấp định danh điện tử do Công an xã Liêng S'rônh quản lý cho các trường hợp chưa thể cấp căn cước, cấp giấy khai sinh cho trẻ em… Tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm lao động, sản xuất xóa đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, hàng năm, huyện cũng tổ chức cho các đoàn cán bộ y tế dự phòng tới tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ tại Tiểu khu 179. Nhiều hoạt động văn hoá, từ thiện được UBND xã Liêng S’rônh phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức hỗ trợ người dân.
Ông Rơ Ông Ha Doanh - Phó Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh cho biết, chính quyền cũng có kế hoạch, chương trình hành động để thường xuyên thăm nắm tình hình để động viên bà con Nhân dân yên tâm lao động, sản xuất. Huyện Đam Rông đã hoàn thành xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, lập phân trạm y tế và nhà sinh hoạt cộng đồng. Sắp tới là triển khai dự án xây dựng điểm trường học khang trang để học sinh có môi trường học tập tốt hơn.
Mùa xuân này, niềm ước mong của người dân và chính quyền địa phương là có thể mở đường nối thẳng từ Tiểu khu Đạ Mpô đến Tiểu khu 179, khoảng cách chừng 15 km. Khi đó, không chỉ khoảng cách địa lý và thời gian di chuyển được rút ngắn mà người dân cũng được tiếp cận gần hơn với cuộc sống hiện đại. Để vùng đất xa xôi cách trở ngày nào trở thành bản làng ấm no, bình yên giữa núi rừng…
Nguồn: Mùa xuân khát vọng ở Tiểu khu 179
Hồng Thắm
baolamdong.vn
-
Kinh tế Việt Nam: 40 năm Đổi mới và kỷ nguyên vươn mình
-
Du lịch đêm "lên ngôi" trong năm 2025
-
Năm 2025 nên đầu tư vào lĩnh vực nào để sinh lời cao?
-
Dự báo thời tiết ngày mai (6/2): Bắc Bộ trời rét, mưa nhỏ rải rác, vùng núi có rét đậm, rét hại; phía Nam ngày nắng
-
PVCFC và sứ mệnh hoàn thiện bộ sản phẩm dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng
-
Taylor Swift, Lady Gaga đọ sắc tại thảm đỏ Grammy
-
Hôn nhân của Tóc Tiên - Hoàng Touliver sau 5 năm cưới
-
PV GAS đảm bảo cấp khí an toàn, ổn định, liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
Phiên Chợ Viềng: Nét Độc Đáo Trong Văn Hóa Mua May Bán Rủi