Lâm Đồng xác định kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2024

05:00 | 11/07/2024

|
Từ số liệu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 2,97%, UBND tỉnh đã thống nhất kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng; đồng thời, phân công các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực, địa phương với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 7,2%...
Để đạt được tốc độ tăng trưởng tối thiểu 7,2% trong năm 2024, các ngành nghề   trong cả 3 khu vực đều cần có giải pháp đột phá và điều kiện thời tiết thuận lợi...
Để đạt được tốc độ tăng trưởng tối thiểu 7,2% trong năm 2024, các ngành nghề trong cả 3 khu vực đều cần có giải pháp đột phá và điều kiện thời tiết thuận lợi...

Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh rất thấp: Khu vực I (Nông, lâm, thủy) bị ảnh hưởng của thời tiết, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong khu vực I (chiếm 95,25% cơ cấu GRDP của khu vực I) chỉ tăng trưởng 3,1% do một số loại cây ăn quả chủ lực như cà phê, sầu riêng, chè, mắc ca tuy tăng diện tích thu hoạch nhưng sản lượng bị sụt giảm.

Khu vực II (Công nghiệp xây dựng), chiếm gần 23,11% tổng cơ cấu GRDP 6 tháng, tăng trưởng âm (-2%) là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng trưởng GRDP đạt rất thấp. Trong đó, ngành Công nghiệp (chiếm 16,58 % tổng cơ cấu GRDP 6 tháng), tăng trưởng âm 0,42%, do thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, đã ảnh hưởng rất lớn tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện (đa phần là các nhà máy thủy điện).

Ngành Xây dựng (chiếm khoảng 6,53% tổng cơ cấu GRDP 6 tháng, chiếm 28,25% cơ cấu GRDP của khu vực II), tăng trưởng âm 4,88%, do các lĩnh vực xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng đều tăng trưởng âm; chủ yếu do đầu tư xây dựng của khối doanh nghiệp, hộ cá thể chậm và thấp hơn so cùng kỳ và hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng… Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm, trong 6 tháng đầu năm không thực hiện các công trình dự án lớn thuộc vốn đầu tư công.

Khu vực III (Dịch vụ) trong 6 tháng đầu năm, nhiều lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, nhưng đạt tăng trưởng thấp dẫn đến tăng trưởng ở khu vực III chỉ đạt 5,05%. Cụ thể: hoạt động bán lẻ tăng mạnh (tăng 11,66% so với cùng kỳ) do lượng khách du lịch tăng, nhưng hoạt động bán buôn (sản lượng xuất khẩu nông sản như cà phê, sầu riêng, chè giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm) giảm sâu (giảm 5,38% so với cùng kỳ); hoạt động bán buôn chiếm tỉ trọng rất lớn trong khu vực III (chiếm 14,71%) nên kéo theo tỉ lệ tăng trưởng của khu vực III tăng không như kỳ vọng.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng trưởng thấp chỉ tăng 1,23%, do: tình hình nền kinh tế gặp khó; còn một số khu vực ở các huyện, thành phố chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nên còn chưa thu hút đầu tư được các dự án nhà ở, khu đô thị, nhà ở xã hội; hoạt động vận tải hàng không chỉ đạt 58,75 %, giảm 41,25% so với cùng kỳ, do tình hình cắt và giảm chuyến bay đến các khu vực trong và ngoài nước.

UBND tỉnh đã thống nhất kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, với mức tăng trưởng GRDP cả năm từ 7,2%. Tuy nhiên, muốn có được con số này, khu vực I (nông, lâm, thủy) cần bảo đảm thời tiết 6 tháng cuối năm 2024 phải thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Khu vực II, ngành công nghiệp phải đẩy mạnh cả 4 ngành: công nghiệp khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải... Ngành xây dựng phải tập trung, quan tâm công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ các nguồn vốn được bố trí của năm 2024; trong đó có công trình Dự án đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc… Khu vực III (Khu vực dịch vụ), cần phải có các giải pháp đột phá, kích cầu các hoạt động như: bán buôn, bán lẻ, vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, kinh doanh bất động sản,...; các hãng hàng không khôi phục các chuyến bay nội địa, đồng thời nghiên cứu mở mới, khai thác các đường bay quốc tế từ Liên Khương…

Nếu năm 2024, Lâm Đồng đạt mức tăng trưởng 7,2% thì bình quân 4 năm 2021-2024, tăng trưởng 6,86%/năm. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% của giai đoạn 2021-2025 thì năm 2025 cần đạt mức tăng trưởng là 7,55%/ năm, cũng kèm theo điều kiện là kinh tế cả nước nói chung dần phục hồi; và, các dự án lớn của tỉnh chuẩn bị triển khai xây dựng như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc -Liên Khương; Quốc lộ 28B, Dự án Khu dân cư Nam Sông Đa Nhim phải được khởi công…

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các giải pháp cụ thể theo từng lĩnh vực: công nghiệp; xây dựng, quy hoạch; tài chính, ngân hàng; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; thương mại; du lịch; vận tải; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…

Nguồn: Lâm Đồng xác định kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm 2024

Lê Hoa

baolamdong.vn