Lý do Samsung đẩy mạnh đầu tư R&D

04:10 | 24/12/2022

|
Các khoản đầu tư kỷ lục vào R&D có thể giúp Samsung tăng sức cạnh tranh, đảm bảo nhân lực để đối phó suy thoái kinh tế.
Samsung công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn nhất hơn 200 tỷ USDSamsung công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn nhất hơn 200 tỷ USD
Bộ sưu tập tranh 'cứu' khoản thuế 9,8 tỷ USD của nhà SamsungBộ sưu tập tranh 'cứu' khoản thuế 9,8 tỷ USD của nhà Samsung
Lý do Samsung đẩy mạnh đầu tư R&D
Nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics tại Giheung (Hàn Quốc). Ảnh: FPN119.

Samsung sẽ khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào ngày 23/12. Với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, đây là trung tâm R&D lớn nhất của công ty tại khu vực Đông Nam Á.

Đầu tư vào R&D đang là xu hướng của các tập đoàn lớn. Không chỉ giúp cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ cùng ngành, đẩy mạnh R&D cũng là biện pháp đảm bảo nguồn nhân lực, đối phó suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lợi thế khi đẩy mạnh R&D

Theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc, tổng chi phí R&D của 20 công ty lớn nhất nước này, tính đến quý III/2022 là 26,3 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, Samsung Electronics đứng đầu với 14,5 tỷ USD, chiếm 55%. Theo Seoul Economic Daily, đây là mức đầu tư kỷ lục của Samsung cho R&D. Xếp sau là SK Hynix, cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực bán dẫn với mức đầu tư 2,8 tỷ USD.

Vào tháng 6, Samsung đã khởi công xây dựng trung tâm R&D cho lĩnh vực bán dẫn tại khuôn viên nhà máy Giheung (Hàn Quốc). Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Samsung thành lập cơ sở nghiên cứu bán dẫn mới.

Ông Lee Jae-yong, thời điểm đó là phó chủ tịch Samsung, cho biết việc xây dựng trung tâm R&D là bước đệm để đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho các dự án phát triển chip bán dẫn thế hệ mới.

Lý do Samsung đẩy mạnh đầu tư R&D
Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (ngoài cùng bên phải) tại lễ khánh thành trung tâm R&D của công ty ở Giheung (Hàn Quốc) vào tháng 8. Ảnh: Samsung Electronics.

Khi nhu cầu tuyển dụng kỹ sư và trang bị cơ sở vật chất ngày càng lớn, các văn phòng nghiên cứu cũ không còn đáp ứng hiệu quả. Do đó, tăng cường xây dựng trung tâm R&D có thể đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và đảm bảo nguồn nhân lực.

Không chỉ Samsung, các công ty như TSMC, Intel hay SMIC cũng tăng cường đầu tư vào R&D. Do đó, thành lập trung tâm nghiên cứu sẽ giúp Samsung chủ động phát triển công nghệ, tạo lợi thế trước những đối thủ cùng ngành.

Với sự bùng nổ của xe điện, ngành công nghiệp pin phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Vào tháng 8, công ty sản xuất pin Samsung SDI đã thành lập trung tâm R&D đầu tiên tại Mỹ, lên kế hoạch mở rộng sang Trung Quốc vào năm 2023. Trước đó, Samsung SDI đã xây dựng cơ sở R&D tại một số nước châu Âu.

Tương tự trung tâm nghiên cứu bán dẫn, Yonhap cho biết việc thành lập cơ sở R&D dành cho pin giúp Samsung SDI đảm bảo lợi thế cạnh tranh về công nghệ, chủ động tinh chỉnh pin dựa trên quy định và nhu cầu sử dụng tại từng khu vực.

Samsung SDI sẽ hợp tác với các trường đại học, startup trong lĩnh vực pin để hỗ trợ những dự án nghiên cứu pin lithium, đồng thời đón đầu công nghệ sản xuất pin thế hệ mới.

Thông qua các trung tâm R&D, Samsung SDI kỳ vọng đảm bảo nhân lực chất lượng cao tại địa phương, đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty pin lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Lý do Samsung đẩy mạnh đầu tư R&D
Ảnh dựng trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội. Ảnh: Samsung Electronics.

Theo báo Hàn Quốc, Chủ tịch Samsung Electronics đã lên đường sang Hà Nội để tham dự lễ khánh thành trung tâm R&D vào chiều 21/12.

Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam dự kiến chào đón khoảng 3.000 nhân sự, tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, Big Data, các sản phẩm di động như smartphone và tablet.

Nguồn tin trong giới kinh doanh cho biết trước và sau lễ khánh thành ngày 23/12, ông Lee có thể gặp các lãnh đạo chính phủ để thảo luận về những dự án đầu tư tiếp theo của Samsung tại Việt Nam, bao gồm chất bán dẫn.

Xu hướng R&D của Samsung

Ngày 20/12, Samsung Research, bộ phận R&D của Samsung Electronics đã công bố 7 xu hướng công nghệ của năm, gồm mạng 6G, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ camera, phần mềm, chăm sóc sức khỏe và công nghệ truyền hình.

Đó là 7 lĩnh vực được Samsung Electronics đẩy mạnh nghiên cứu trong năm nay. Công ty Hàn Quốc đã tổ chức các sự kiện, gửi bài báo nghiên cứu để đăng trên tạp chí khoa học và trình bày tại các hội thảo quốc tế.

Việc đầu tư các trung tâm R&D, thay vì mở rộng nhà máy cũng là biện pháp đối phó suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong năm nay, hầu hết cơ sở sản xuất phải cắt giảm sản lượng, sa thải nhân viên do giảm doanh thu, hàng tồn kho tăng đột biến.

“Từ năm 2023, tốc độ đầu tư cơ sở vật chất sẽ chậm lại và tỷ lệ R&D cao hơn”, một lãnh đạo trong giới kinh doanh dự đoán.

Nguồn: Lý do Samsung đẩy mạnh đầu tư R&D

Phúc Thịnh

zingnews.vn