Một giải pháp quan trọng chống chạy chức, chạy quyền

10:56 | 29/07/2023

|
Ngày 11/7 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này có những thay đổi quan trọng, thay thế Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019.

Vậy là sau gần bốn năm thực hiện Quy định 205, trước tình hình thực tế có nhiều thay đổi, trước những diễn biến phức tạp, những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa thêm một bước, nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác “then chốt của then chốt” một cách bài bản, chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Một giải pháp quan trọng chống chạy chức, chạy quyền
Ảnh minh họa

Ở đâu có bộ máy lãnh đạo thì ở đó xuất hiện quyền lực. Để bộ máy lãnh đạo vững mạnh, trong sạch, thật sự vì Đảng, vì dân, vì lợi ích chung thì phải quản lý thật tốt quyền lực trong công tác cán bộ. Nói một cách đơn giản là chọn đúng cán bộ có đức, có tài, không để hiện tượng chạy chức, chạy quyền diễn ra một cách ngấm ngầm, dưới danh nghĩa “tập trung dân chủ”, dưới cái vỏ bọc “đúng quy trình”. Bởi đã có rất nhiều bài học về cái gọi là đúng quy trình nhưng không đúng người. Một thí dụ tại phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi nghĩ rằng, hầu hết các bị cáo từng giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý, như Thứ trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng, sĩ quan cấp tướng, tá trong lực lượng vũ trang,...v.v... đều đã từng được “quy hoạch”, được chọn lọc, đánh giá đầy đủ theo các quy trình công tác nhân sự. Thế nhưng, rốt cuộc tổ chức vẫn chọn sai người. Nguyên nhân có nhiều, nhưng không thể không nhắc tới những sai lầm trong việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến chuyện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đảng ta đã đặt ra và có những quy định cụ thể ngay từ khi trở thành Đảng cầm quyền, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói về quyền lực và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là trong các nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng, Trung ương đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế về công tác cán bộ. Đó là, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử; các chính sách cán bộ; các quy định về những điều đảng viên không được làm; lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Đặc biệt, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Tại Quy định mới, Quy định số 114 lần này, Bộ Chính trị quy định rõ hơn, cụ thể hơn nhiều vấn đề, trong đó điểm nhấn là, phải kiên quyết khắc phục 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Đó là các hành vi: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này.

Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý...

Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Bộ Chính trị cũng nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, trong đó, phổ biến nhất, tệ hại nhất là việcđưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Quy định 114 cũng yêu cầu: Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm một số chức danh. Đây là một hiện tượng khá phổ biến từ Trung ương tới các địa phương lâu nay. Có câu hỏi “cười ra nước mắt”: Đồng chí là con đồng chí nào? Tôi có dịp đến công tác ở một số tỉnh, huyện, hỏi đến đồng chí ủy viên thường vụ này, đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch kia thì thấy toàn là “con cháu các cụ”. Nếu các đồng chí đó thực tài thì rất quý, nhưng tiếc thay, có những người kém đức, bất tài, nhờ “phả hệ” mà được đẩy lên quá mức, làm lính chiếu lệ, làm “quan tắt”, chiếm chỗ những người giỏi giang, có nhiều cống hiến.

Hỏi chuyện nhiều cán bộ lão thành, chúng tôi ghi nhận những tiếng nói tâm huyết, biểu thị sự đồng tình cao. Chỉ mong muốn Trung ương khi đã có Quy định rồi thì kiểm tra, rà soát thật kỹ để ngăn chặn các hiện tượng vi phạm, dù vì bất cứ lí do nào khác. Và đối với những sai phạm trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ trước đây nếu “vướng” vào quy định mới này cũng kiên quyết xử lý. Đưa ngay những cán bộ được “ưu ái” quá mức, với động cơ không trong sáng ra khỏi bộ máy cán bộ. Đây sẽ là một bước quan trọng để chuẩn bị lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ đại hội Đảng sắp tới.

Nguồn: Một giải pháp quan trọng chống chạy chức, chạy quyền

Hải Đường

petrotimes.vn