Mùa báo hiếu

08:00 | 15/08/2024

|
Bước vào những ngày của tháng Bảy âm lịch, đã thấy vang lên khắp nơi giai điệu Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…”. Chợt nhớ đến một ngày rằm tháng Bảy nào xa lắm, anh lần đầu tiên lên chùa nhận một bông hồng trắng cài ngực áo, khi đó anh thấy mình bơ vơ, côi cút kinh khủng.

Trong tâm thức của người Việt, lễ Vu Lan rằm tháng Bảy luôn có một vị trí đặc biệt. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ tấm gương hiếu hạnh của vị Bồ tát, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn không chỉ của Phật giáo mà còn của cả xã hội, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Hoạt động thả hoa đăng trên sông Cái. Ảnh Nhân Tâm

Hoạt động thả hoa đăng trên sông Cái. Ảnh Nhân Tâm

Bông hồng cài áo là một đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là tên một ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác năm 1967, lấy ý từ bài viết trên. Bông hồng cài áo của nhà sư Nhất Hạnh vẽ nên người mẹ qua những hình ảnh và lời văn đơn sơ mà gần gũi, rất đỗi thân thương: “Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một như đường mía lau”. Đoản văn của ông có đoạn: “Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương”.

Lên chùa trong buổi lễ Vu Lan, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm. Bông hồng ấy như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm cha mẹ yên lòng. Ai đã mất mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng trắng, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ. Màu trắng thanh khiết muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để mẹ ở miền mây trắng được an nhiên, thanh thản…

Nhớ hồi mẹ mới ra đi, anh được người bạn tặng cuốn truyện "Hãy chăm sóc mẹ" của Shin Kyung-sook, nhà văn nữ Hàn Quốc. Cuốn truyện giản dị mà lay động đến tâm can. Khi đó anh đọc và cảm nhận với nỗi niềm như được người khác nói hộ. Sau này qua báo chí mới biết, tác phẩm này đã được dịch sang 19 thứ tiếng và xuất bản trên 24 quốc gia. Cuốn sách của Shin Kyung-sook đã giúp cô trở thành tác giả nữ đầu tiên đạt giải Man Asian - một trong những giải thưởng danh giá nhất của văn học Châu Á.

Câu chuyện về người mẹ được kể qua lời của cô con gái lớn Chi-hon. Mẹ cô là một người mẹ bình thường như biết bao người mẹ khác, lăn lộn suốt cuộc đời vì chồng con, nhưng suốt cuộc đời mấy khi hạnh phúc? Và những đứa con, liệu họ có nhận ra những hy sinh thầm lặng ấy? Người mẹ bấy lâu nay vẫn chăm sóc họ, ở bên cạnh che chở và bảo vệ họ như một bức tường im lặng, vốn vẫn luôn ở vị trí đứng sau. Đứng sau tất cả mọi bức ảnh, cũng giống như bà đã âm thầm lặng lẽ đứng sau cuộc sống của chồng và tất cả những đứa con, tận tụy yêu thương họ từng ngày với một tình yêu thương và bao dung nhất. Đến một ngày kia, bà đi lạc, vụt mất cái nắm chặt từ tay chồng bà ở bến tàu... Một ngày đen tối, một sự hỗn loạn trong gia đình bấy lâu nay vẫn tưởng như hạnh phúc?

Thế giới này, mỗi ngôn ngữ có một danh từ riêng để chỉ về mẹ. Nhưng tình cảm của mẹ dành cho con cái, cho gia đình thì ở đâu cũng chỉ là một. Mùa Vu Lan này, xin chung vui với những ai còn trên ngực một bông hồng đỏ thắm. Xin chia sẻ với những ai có trên ngực bông hồng màu trắng. Và hãy nhớ rằng, lễ Vu Lan chỉ là một dịp cụ thể để nhắc ta, hãy sống cả năm, cả cuộc đời luôn là một mùa Vu Lan.

Như thiền sư Nhất Hạnh viết: "Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi".

Nguồn:Mùa báo hiếu

Thủy Ngân

baokhanhhoa.vn