Nhìn từ vụ Moonbin qua đời: Thần tượng Kpop đang bị vắt kiệt

07:40 | 23/04/2023

|
Thần tượng Kpop đã rèn luyện và đánh đổi để được ra mắt nhưng sau đó, họ vẫn phải đối mặt với vô số khó khăn.
Giới giải trí bàng hoàng vì sự ra đi của MoonbinGiới giải trí bàng hoàng vì sự ra đi của Moonbin
"Ông trùm K-pop" Lee Soo Man bị tố trốn thuế, muốn buôn cần sa

Năm 2020, Kpop được tạp chí TIME vinh danh là “Ngành xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc”. Tuy nhiên, để đứng vững trên mảnh đất khắc nghiệt này, nhiều thần tượng phải hi sinh cuộc sống riêng, đánh đổi sức khỏe để bám đuổi cường độ công việc cực cao.

Nhìn từ vụ Moonbin qua đời: Thần tượng Kpop đang bị vắt kiệt
BTS chạy theo một lịch trình làm việc “không tưởng” khi đang ở thời đỉnh cao sự nghiệp. Ảnh: Billboard

Lịch trình quá tải

Danh tiếng càng phủ sóng, các nhóm nhạc càng phải chạy lịch trình dày đặc để duy trì độ nhận diện. Theo Naver, sự mệt mỏi của thần tượng sẽ đạt đến giới hạn khi họ thực hiện những chuyến lưu diễn nước ngoài.

Đối với BTS, họ thực hiện nhiều chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới để gặp gỡ người hâm mộ. Tuy nhiên, đằng sau những sân khấu quy mô là sự kiệt sức của các thành viên.

Trưởng nhóm RM từng thừa nhận: “Khi nói lịch trình quảng bá khiến nhóm cảm thấy khó khăn, tôi có cảm giác tội lỗi. Bởi tôi sợ các fan sẽ cảm thấy thất vọng về nhóm. Cả khi tôi nói muốn nghỉ ngơi, tôi cũng cảm thấy như mình đã làm một điều tồi tệ”.

Không ít lần, Jung Kook gặp chấn thương vì phải luyện tập liên tục. Thậm chí, anh từng phải thở bình oxy ngay sau khi bước xuống từ sân khấu.

Còn Jimin, giọng ca chính của BTS, có dấu hiệu chán ăn và thừa nhận anh từng ăn một bữa trong vòng 10 ngày vì muốn có thân hình thon gọn.

Khi mức độ phổ biến của Kpop bùng nổ, chu kỳ và tốc độ chạy đua các nhóm cũng tăng lên. Có rất nhiều nhóm lựa chọn chiến lược "comeback nhanh" bằng cách phát hành một album và tung thêm các đĩa đơn, phiên bản tiếng Nhật, tiếng Anh.

Ngoài ra, thời hạn hợp đồng hữu hạn cũng là nguyên nhân khiến nhiều công ty ra sức bóc lột, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để thu về nhiều lợi nhuận nhất có thể.

Trước đó, TWICE từng gây sốc khi phát hành 3 sản phẩm trong vòng 3 tháng, liên tục tổ chức tour thế giới, quay quảng cáo, tham gia show truyền hình. Họ bị bào mòn sức khỏe và Mina phải ngừng hoạt động vì rối loạn lo âu năm 2019, Jungyeon bị thoát vị đĩa đệm ở cổ và vấn đề tâm lý.

Tương tự, Wanna One tiết lộ nhóm chỉ được ngủ 1 tiếng mỗi ngày, Rei (IVE) tạm nghỉ để điều trị sức khỏe, Lay (EXO) 2 lần ngất xỉu vì kiệt sức, Jungkook (BTS) bật khóc trên sóng livestream vì quá mệt mỏi... phần nào phơi bày sự khắc nghiệt của giới giải trí Hàn Quốc.

Nhìn từ vụ Moonbin qua đời: Thần tượng Kpop đang bị vắt kiệt
Các thần tượng luôn ở trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ăn uống thất thường. Ảnh: Naver

Những áp lực vô hình

Là ngành công nghiệp có thể thu về doanh thu khổng lồ, Kpop cũng có tốc độ đào thải chóng mặt.

Theo Los Angeles Times, để có được cơ hội thực tập và đào tạo tại các công ty giải trí, trẻ em và thanh thiếu niên cần tham gia các buổi thử giọng, với tỉ lệ chọi khoảng 1:700.

Đến khi ra mắt, họ tiếp tục phải cạnh tranh với các đối thủ trong một thị trường khốc liệt. Năm 2022, có đến 19 nhóm nhạc tuyên bố tan rã, trong đó có không ít nhóm mới chỉ hoạt động được 1 năm.

Muốn trụ lại và hoạt động lâu dài, thần tượng phải đáp ứng yêu cầu của công chúng và tuân thủ những "quy tắc ngầm".

Ở Hàn Quốc, một trong những yếu tố được khán giả đánh giá khắt khe nhất là ngoại hình.

Trong một phóng sự của NewsAsia vào năm 2019, suốt thời gian tập luyện, công ty chủ quản sẽ kiểm tra gắt gao chiều cao và cân nặng của các thực tập sinh. Họ càng đẹp thì cơ hội được thăng tiến càng cao.

Vì vậy, không ít thực tập sinh đã tự bỏ đói trong nhiều ngày, chỉ uống nước đá cầm hơi, luyện tập ngày đêm để có được vóc dáng đẹp. Họ ngất xỉu và kiệt quệ, nhưng điều này đã được bình thường hóa trong các phòng tập đào tạo thực tập sinh.

Tờ Insider nhận định, cuộc đời của những idol Kpop khắc nghiệt, áp lực cực độ và chật hẹp.

Họ được kỳ vọng sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cực kỳ cao của công chúng và phải thể hiện rằng Kpop “an toàn và lành mạnh”: không có bạo lực, chất kích thích, các vấn đề về sức khỏe tâm lý, quấy rối tình dục, bắt nạt...

Một bài báo của Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương cũng đồng quan điểm: “Ở Hàn Quốc, hơn 60% biển quảng cáo đều có gương mặt người nổi tiếng. Đơn giản, một người hâm mộ mua một sản phẩm được một ngôi sao ủng hộ, vậy thì họ hoàn toàn có thể bắt chước những hành vi tiêu cực của idol".

"Đằng sau những bài hát càn quét bảng xếp hạng là con người, thậm chí là những con người có vấn đề", LA Times viết.

Khi một ngành công nghiệp như Kpop quá đề cao sự hoàn hảo, đôi khi khán giả sẽ quên đi một thực tế rằng ai cũng có thể bị tổn thương.

Nguồn:Nhìn từ vụ Moonbin qua đời: Thần tượng Kpop đang bị vắt kiệt

Huyền Chi

laodong.vn