Robot phẫu thuật sọ não “thổi giá” ở BV Thanh Nhàn: Ai sẽ bị gọi tên?

18:05 | 11/02/2022

|
Việc ký hợp đồng mua sắm thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá 38,7 tỉ đồng tại Bệnh viện Thanh Nhàn có dấu hiệu "thổi giá", ai sẽ bị xử lý?.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm hầu tòa trong vụ án “thổi giá” thiết bị y tếCựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm hầu tòa trong vụ án “thổi giá” thiết bị y tế
Thanh tra Chính phủ thanh tra mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm COVID-19 tại TPHCMThanh tra Chính phủ thanh tra mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm COVID-19 tại TPHCM

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an điều tra việc “thổi giá” robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não mà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá- xã hội Thành phố Hà Nội (BQL DA) mua sắm cho Bệnh viện Thanh Nhàn.

Theo đó, thiết bị robot được BQL DA mua với giá 38,7 tỉ đồng và lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Nhưng đây là cái giá “quá cao” so với giá trị thực tế của hệ thống robot đã đưa vào liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai (chỉ 10,9 tỉ đồng).

Cũng như vụ “thổi giá” tại Bệnh viện Bạch Mai, việc mua sắm robot có liên quan đến cái tên Công ty BMS với hàng loạt lãnh đạo, trong đó có ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm giám đốc đã bị cơ quan điều tra khởi tố.

Robot phẫu thuật sọ não “thổi giá” ở BV Thanh Nhàn: Ai sẽ bị gọi tên? Cập nhật lúc: 11:43 11/02/2022
Hệ thống Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não Mazor lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Thời điểm Công ty BMS bị phát giác nâng khống robot, ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai luôn miệng nói: không có lợi ích nhóm. Không ai được hưởng xu nào…Nhưng rồi, trước toà, mọi bằng chứng, lời khai đều thể hiện rõ người từng đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai đã nhận tiền “lót tay” và tạo điều kiện cho Công ty BMS nâng giá thiết bị, hưởng lợi gây thiệt hại cho 637 bệnh nhân.

Người kế nhiệm ông Quốc Anh là ông Nguyễn Quang Tuấn cũng bị Bộ Công an khởi tố ngày 21/10/2021 cùng 8 bị can khác do liên quan những sai phạm về đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế năm 2015, khi ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong giai đoạn điều tra ban đầu, Bộ Công an xác định một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và nhân viên doanh nghiệp đã vi phạm hoạt động đấu thầu, làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh. Trong vụ án, ông Nguyễn Quang Tuấn ký một số văn bản có liên quan.

Còn tại Bệnh viện Mắt TP HCM, trong năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Minh Khải, giám đốc bệnh viện, cùng 7 cựu lãnh đạo cơ sở y tế này. Cơ quan điều tra xác định năm 2018, Bệnh viện Mắt TP HCM thực hiện gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị, khám chữa bệnh.

Sau đó, ông Khải và các bị can đã loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao để thay thế. Hậu quả gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế trên 5,2 tỷ, người bệnh có bảo hiểm y tế phải chi trả hơn 7 tỷ, còn người bệnh không có bảo hiểm y tế bị thiệt hại trên 1,8 tỷ.

Tội lỗi trong việc “thổi giá” thiết bị y tế đã “tiễn” những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ rất giỏi về nghề nhưng thiếu y đức vào vòng lao lý. Có lẽ, sau lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt TP HCM... thì một ai đó của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi sai phạm có liên quan trong việc mua sắm, lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não.

Được biết, PGS.TS Đào Quang Minh hiện là Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn. Điều đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng, từ năm 2018, BQL DA ký hợp đồng mua sắm thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá 38,7 tỷ đồng để lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn và việc mua sắm thiết bị y tế này có dấu hiệu “thổi giá”. Nếu vậy, cá nhân, nhóm người nào của BQL DA sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?.

Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, năm 2016, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 Ban quản lý dự án chuyên ngành trước đó.

Theo quy định, Ban QLDA Văn hóa - Xã hội Hà Nội là tổ chức sự nghiệp công lập. Sau khi được thành lập, Ban QLDA Văn hóa - Xã Hội Hà Nội sẽ có chức năng làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, y tế, thể thao và du lịch..., sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách khi được thành phố giao…

Giám đốc là người đứng đầu Ban quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban quản lý dự án. Được biết, Ban QLDA Văn hóa - Xã hội TP Hà Nội do ông Nguyễn Trường Sơn làm Giám đốc. Các ông: Đàm Đức Dũng, Nguyễn Ngọc Tường, Phạm Đình Tuấn là Phó Giám đốc ban.

Nguồn:Robot phẫu thuật sọ não “thổi giá” ở BV Thanh Nhàn: Ai sẽ bị gọi tên?

Thiên Tuấn

kienthuc.net.vn