Startup cấy chip não của Elon Musk được phép nghiên cứu trên người

21:42 | 26/05/2023

|
Neuralink – startup công nghệ thần kinh do Elon Musk đồng sáng lập – thông báo đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép tiến hành nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên con người.
Ronaldo dính đòn đau từ tỷ phú Elon MuskRonaldo dính đòn đau từ tỷ phú Elon Musk
Elon Musk thừa nhận sai lầmElon Musk thừa nhận sai lầm

Neuralink đang phát triển bộ cấy não có tên Link. Mục tiêu của Link là giúp bệnh nhân bị liệt nặng sử dụng tín hiệu thần kinh để điều khiển thiết bị bên ngoài. Điều đó đồng nghĩa những bệnh nhân mắc các bệnh thoái hóa nghiêm trọng như ALS (hội chứng xơ cứng teo cơ một bên) có thể lấy lại khả năng giao tiếp với người thân thông qua di chuyển con trỏ, gõ bằng suy nghĩ.

Startup cấy chip não của Elon Musk được phép nghiên cứu trên người
Neuralink của Elon Musk giành thắng lợi lớn khi được tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên người. (Ảnh: Reuters)

Trên Twitter, Neuralink cho biết việc cấp phép là bước đầu tiên trên hành trình cho phép công nghệ của công ty hỗ trợ nhiều người. Theo CNBC, chưa rõ phạm vi thử nghiệm là như thế nào. Neuralink cũng chưa bắt đầu tìm kiếm bệnh nhân cho thử nghiệm lâm sàng.

Neuralink là một phần của ngành công nghiệp giao diện não – máy tính (BCI). Hệ thống BCI giải mã tín hiệu não và “dịch” chúng thành các câu lệnh cho công nghệ bên ngoài. Có lẽ Neuralink là cái tên nổi tiếng nhất nhờ vào hồ sơ của Musk, người cũng là CEO Tesla, SpaceX và Twitter.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ BCI trong hàng thập kỷ. Một số công ty cũng phát triển các hệ thống đầy hứa hẹn mà họ hy vọng sẽ đưa ra được thị trường. Tuy nhiên, nhận được giấy phép của FDA cho một thiết bị y tế thương mại không phải điều dễ dàng. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành thành công các bài kiểm tra nghiêm ngặt và thu thập dữ liệu an toàn.

Chưa có công ty BCI nào giành được “cái gật đầu” cuối cùng của FDA. Dù vậy, được phép nghiên cứu lâm sàng trên con người sẽ giúp Neuralink tiến thêm một bước đến thị trường.

Công nghệ BCI của Neuralink yêu cầu bệnh nhân phải phẫu thuật não xâm lấn. Hệ thống của nó xoay quanh Link, thiết bị cấy ghép hình tròn nhỏ chuyên xử lý và “phiên dịch” tín hiệu thần kinh. Link kết nối với một loạt các sợi mỏng, linh hoạt được chèn trực tiếp vào mô não, nơi phát hiện các tín hiệu thần kinh.

Bệnh nhân cấy ghép thiết bị của Neuralink sẽ học cách điều khiển nó qua ứng dụng Neuralink. Sau đó, họ có thể điều khiển chuột, bàn phím qua kết nối Bluetooth, theo website startup.

Sự chấp thuận của FDA là thắng lợi lớn của Neuralink sau hàng loạt rào cản thời gian gần đây. Hồi tháng 2, Bộ Giao thông vận tải Mỹ xác nhận điều tra công ty vì cáo buộc đóng gói và vận chuyển phần cứng ô nhiễm theo cách không an toàn. Một tháng sau, Reuters đưa tin FDA từ chối đơn xin thử nghiệm trên người của startup và vạch ra hàng chục vấn đề cần khắc phục.

Neuralink còn bị các nhóm hoạt động chỉ trích vì đối xử với động vật. Họ kêu gọi Musk công bố thông tin về các thí nghiệm trên khỉ, dẫn đến chảy máu ngoài, tê liệt, nhiễm trùng mãn tính, co giật, suy giảm sức khỏe tâm lý, tử vong.

Bên cạnh việc hỗ trợ bệnh nhân bị liệt, các chuyên gia tin rằng một ngày nào đó, BCI sẽ giúp điều trị các bệnh như mù lòa, sức khỏe tâm lý. Musk cho biết Neuralink sẽ khám phá các trường hợp này trong tương lai. Trong một sự kiện cuối năm ngoái, ông còn tuyên bố sẽ đích thân cấy ghép thiết bị Neuralink.

Nguồn: Startup cấy chip não của Elon Musk được phép nghiên cứu trên người

Du Lam

vietnamnet.vn