Thanh minh trong tiết tháng Ba

09:00 | 03/04/2025

|
Từ xa xưa, Tết Thanh minh (được tổ chức vào mùng 3 tháng Ba Âm lịch hằng năm) đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng đối với người Việt. Đối với đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, Tết Thanh minh là một trong những ngày Tết lớn sau Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ tổ tiên mà còn là lúc con cháu sum vầy, thấm tình gắn kết dòng tộc.
Những điều cần biết về Tết Thanh minh năm 2025Những điều cần biết về Tết Thanh minh năm 2025
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Xôi ngũ sắc được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng chuẩn bị để dâng cúng trong Tết Thanh minh

Tại thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, việc chuẩn bị cho ngày tảo mộ thường diễn ra từ mùng 2 tháng Ba âm lịch. Nhiều gia đình đã mổ lợn, chuẩn bị thực phẩm để làm mâm cúng dâng tổ tiên và các vong linh.

Sáng sớm ngày Tết Thanh minh (mồng 3 tháng Ba), các gia đình sắm sửa lễ vật dâng cúng tổ tiên và dụng cụ tảo mộ. Lễ vật gồm gà luộc, thịt lợn, cá, xôi ngũ sắc, rượu, bánh trái... Mỗi gia đình, dòng họ sửa sang mộ, thắp hương, đốt vàng mã, dâng hoa tươi lên các phần mộ.

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Những lễ vật dâng cúng tại phần mộ ông bà, tổ tiên

Ngoài việc tảo mộ, công việc dâng lễ cúng Sơn Lâm - nơi đặt phần mộ - cũng rất quan trọng. Mọi người đều mặc trang phục chỉnh tể, các cụ già khoác trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng để khấn vái tại mộ tổ tiên, cầu mong sức khỏe, bình an cho con cháu. Thanh niên quét dọn, sửa sang, đắp mới phần mộ như một cách bày tỏ lòng hiếu thảo. Trẻ nhỏ cũng được bố mẹ dẫn đi tảo mộ để hiểu về gia tiên và tập quen tôn kính tổ tiên. Nhiều người đi làm ăn xa cũng tranh thủ về quê trong ngày này để tảo mộ và sum vầy bên gia đình.

Sau khi hoàn thành nghi lễ tảo mộ, mọi người quây quần bên bữa cơm Tết. Ngoài rượu và thịt, đồng bào còn chuẩn bị nhiều loại bánh truyền thống. Món đặc trưng nhất của Tết Thanh minh là "khẩu đăm đeng" - món xôi nhiều màu sắc được nhuộm từ lá cây rừng, vừa đẹp mắt vừa an toàn. Ngoài ra, còn có bánh trứng kiến, bánh lá ngải, bánh lá gai, bánh nhân hoa chuối rừng... Đây là những món ăn mang đậm dấu ẩm thực của đồng bào Tày, Nùng nơi đây.

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Con cháu dâng cúng lễ vật tại phần mộ của ông bà, tổ tiên trong Tết dịp thanh minh

Tết Thanh minh không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Đây là dịp để con cháu tri ân tổ tiên, vun đắp tình cảm gia đình và duy trì truyền thống tốt đẹp qua nhiều thế hệ. Những giá trị này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào Tày, Nùng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn:Thanh minh trong tiết tháng Ba

Đức Hồng

baodantoc.vn