Thấy gì từ tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng của ông Trump?

20:37 | 23/01/2025

|
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp năng lượng” của nước này.
Bản tin Năng lượng xanh: Masdar của UAE cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo của PhilippinesBản tin Năng lượng xanh: Masdar của UAE cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo của Philippines
Bản tin Năng lượng xanh: Các nhà đầu tư cần theo dõi các chủ đề chính về năng lượng mặt trời sau năm 2024 đầy biến độngBản tin Năng lượng xanh: Các nhà đầu tư cần theo dõi các chủ đề chính về năng lượng mặt trời sau năm 2024 đầy biến động
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp năng lượng” của nước này. Ảnh AP
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp năng lượng” của nước này. Ảnh AP

Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy sản lượng nhiên liệu hóa thạch vốn đã khổng lồ của nước Mỹ, với lý do cần đối phó với giá năng lượng cao và chuẩn bị cho nhu cầu tăng lên từ “thế hệ công nghệ tiếp theo”. Tuy nhiên, ông không hề nhắc đến tình trạng thiếu hụt năng lượng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt.

Mỹ chưa từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng trên toàn quốc trước đây. Chỉ có một số trường hợp ở cấp địa phương được tuyên bố dưới thời Tổng thống Jimmy Carter vào những năm 1970 do thiếu hụt nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng hiện tại, Mỹ không đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch. Thực tế, Mỹ đang khai thác nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Dù chính quyền trước đã áp dụng một số quy định nhằm hạn chế điều này, sản lượng của Mỹ vẫn tiếp tục tăng nhẹ.

Mục tiêu của ông Trump là giảm giá năng lượng cho người tiêu dùng. Trong chiến dịch tranh cử, ông hứa sẽ giảm giá năng lượng xuống một nửa – một mục tiêu khó đạt được theo nhận định của các nhà phân tích.

Ông Trump tin rằng mở rộng khai thác dầu khí có thể làm được điều đó, nhưng kế hoạch của ông lại phải đánh đổi bằng khí hậu toàn cầu và môi trường tự nhiên của nước Mỹ.

Chính sách khẩn cấp năng lượng của ông Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến nhiên liệu hóa thạch?

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng cho phép chính quyền Trump đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới.

“Tổng thống Trump đang bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách chiều lòng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các đồng minh của ngành”, Tiến sĩ Rachel Cleetus, Giám đốc chính sách và chuyên gia kinh tế tại Chương trình Khí hậu và Năng lượng của Liên minh Các nhà khoa học, nhận định.

Theo phân tích của tờ New York Times, ngành công nghiệp dầu khí đã đóng góp khoảng 75 triệu USD (72 triệu Euro) cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa và các ủy ban liên quan.

Tiến sĩ Cleetus cho rằng Tổng thống Trump và nội các “chống khoa học” của ông “đang thúc đẩy lợi nhuận cho ngành nhiên liệu hóa thạch bất chấp thiệt hại cho sức khỏe con người và hành tinh”.

Tổng thống Trump tuyên bố lưới điện của Mỹ sẽ gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu dự kiến từ các công nghệ thế hệ mới như trung tâm dữ liệu. Hiện tại, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ khoảng 4% lượng điện ở Mỹ và lên đến 10% ở một số bang. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2026.

Tuyên bố này có nghĩa là “bạn có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để giải quyết vấn đề đó”, ông nói hôm thứ Hai tuần này.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump nhấn mạnh đến “vàng lỏng” nằm dưới lòng đất nước Mỹ. “Chúng ta sở hữu thứ mà không quốc gia khai thác nào khác có được: Trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới, và chúng ta sẽ khai thác tài nguyên đó”, ông nói.

Một lệnh được ký với tiêu đề “Giải phóng Năng lượng Mỹ” tuyên bố rằng, “các quy định nặng nề và mang tính ý thức hệ” đã ngăn cản việc phát triển các nguồn tài nguyên này. Lệnh này cho rằng điều đó đã “hạn chế khả năng tạo ra nguồn điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng, giảm cơ hội việc làm và gây ra chi phí năng lượng cao cho người dân”.

Mặc dù ông Trump cho rằng chính sách của chính quyền trước đã kìm hãm khai thác nhiên liệu hóa thạch, nhưng Mỹ đã và đang khai thác gần đạt mức kỷ lục về dầu khí. Năm 2023, quốc gia này khai thác dầu thô nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong 6 năm liên tiếp.

Ông Trump cũng đã gỡ bỏ lệnh tạm hoãn khai thác của chính quyền Biden đối với các hồ sơ xin phép xuất khẩu cơ sở khí đốt. Một phân tích gần đây của Nhà Trắng cho thấy việc mở rộng xuất khẩu thêm nữa có thể làm tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ và gây tổn hại tới nền kinh tế, khí hậu và môi trường.

Thêm một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên “đặc biệt” của Alaska, đảo ngược các biện pháp bảo vệ môi trường vốn hạn chế khai thác dầu khí, khai thác gỗ và các dự án phát triển khác trên toàn tiểu bang.

Một cuộc đấu giá cho thuê quyền khai thác dầu khí tại khu vực hoang dã nguyên sơ thuộc Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực vào đầu tháng 1 đã kết thúc mà không có bất kỳ nhà thầu nào tham gia – đây là lần thứ hai trong vòng 4 năm qua không thu hút được sự quan tâm từ các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều sắc lệnh hành pháp, cam kết và chính sách khác cũng nằm trong loạt hành động ủng hộ nhiên liệu hóa thạch nhằm thực hiện lời hứa của ông Trump: “khoan, khoan nữa đi”.

Liệu tình trạng khẩn cấp năng lượng của ông Trump có thực sự giảm một nửa giá năng lượng?

Ông Trump cho rằng các chính sách ủng hộ nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến giá năng lượng giảm cho người tiêu dùng Mỹ. Dù khai thác nhiều dầu khí hơn có thể giúp hạ chi phí, nhưng việc giảm giá năng lượng xuống một nửa gần như chắc chắn sẽ khiến các công ty dầu mỏ không thể thu lợi nhuận – điều mà họ khó lòng chấp nhận.

Theo các nhà kinh tế, giá dầu tối thiểu để các công ty khai thác có lãi rơi vào khoảng 45 đến 50 USD (38 đến 48 Euro) mỗi thùng. Hiện tại, giá dầu là khoảng 75 USD (72,50 Euro) mỗi thùng, nghĩa là nếu giảm một nửa, giá sẽ thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận tối thiểu này.

Nếu việc gia tăng khai thác khiến giá dầu khí giảm, các công ty nhiên liệu hóa thạch sẽ buộc phải hạn chế khai thác do không có lãi. Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá tăng trở lại. Đồng thời, các quốc gia khác cũng có khả năng cắt giảm sản lượng, làm giảm nguồn cung chung và tăng giá để giữ cho thị trường ổn định. Đây là chu kỳ “bùng nổ và suy thoái” mà ngành nhiên liệu hóa thạch đã quá quen thuộc.

Một chính sách khác của ông Trump nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng có thể làm giá cả tăng cao nếu các quốc gia ở châu Âu hoặc châu Á sẵn sàng trả nhiều hơn để mua nhiên liệu này, theo một nghiên cứu gần đây của Nhà Trắng.

Ở phạm vi người tiêu dùng, giá năng lượng không chỉ phụ thuộc vào chi phí nhiên liệu hóa thạch. Các chi phí liên quan đến phân phối và truyền tải chiếm khoảng 40% giá cuối cùng. Nói cách khác, việc có thêm nhiên liệu sẽ không làm tăng thêm năng lực cho lưới điện Mỹ hay khắc phục cơ sở hạ tầng năng lượng.

“Tổng thống có trách nhiệm bảo vệ người dân hơn là lợi ích của các tập đoàn”, Abigail Dillen, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Earthjustice, nhận định.

“Loạt sắc lệnh hành pháp công bố hôm thứ Ba tuần này sẽ làm tăng lợi nhuận cho ngành công nghiệp, nhưng không hạ giá cho người dân hay giúp chúng ta thoát khỏi những khủng hoảng mà đất nước đang phải đối mặt”, ông nói.

Đề cập tới mục tiêu giảm 50% giá năng lượng của ông Trump, cần lưu ý rằng vào năm 2020, giá năng lượng chỉ giảm 19% – do tiêu thụ năng lượng giảm và giá dầu giảm – nhưng phải cần đến sự gián đoạn toàn cầu lớn như đại dịch COVID-19.

Và bất kể ông Trump quyết định nới lỏng các quy định thế nào, việc khai thác bao nhiêu dầu và ở đâu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý muốn của các công ty khai thác.

Nguồn: Thấy gì từ tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng của ông Trump?

Nh.Thạch

nangluongquocte.petrotimes.vn