Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng

09:25 | 12/07/2025

|
Bỏ room tín dụng là một bước đi mang tính cải cách mạnh mẽ trong điều hành tiền tệ, giúp giải phóng nguồn lực tín dụng, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng được hưởng lợi lớn, thì cũng có không ít tổ chức tín dụng có thể đối mặt với thách thức nếu không đủ năng lực quản trị rủi ro, chất lượng tài sản không đảm bảo.

Theo đó, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ “room tín dụng” nhằm mục đích kiểm soát tổng lượng tiền bơm ra nền kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, yêu cầu huy động, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, thì việc nghiên cứu bỏ room tín dụng được xem là bước đi cần thiết, góp phần giải phóng nguồn lực, tăng tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính, cho rằng: “Việc bỏ room tín dụng là bước tiến lớn, giúp cơ chế thị trường vận hành đúng nghĩa hơn. Khi đó, ngân hàng nào đủ năng lực quản trị tốt, kiểm soát rủi ro hiệu quả sẽ được phép tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu thực tế”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Việc bỏ room tín dụng là cần thiết, nhưng nếu không đi kèm với giám sát và chế tài đủ mạnh thì rủi ro hệ thống có thể tăng lên, đặc biệt khi một số ngân hàng nhỏ chạy theo lợi nhuận mà buông lỏng kiểm soát rủi ro.”

Theo đó, việc bỏ room tín dụng sẽ có những tác động đến thị trường và cạnh tranh ngân hàng. Đại thể là, việc bỏ room tín dụng có thể tạo ra sự phân hóa rất mạnh giữa các ngân hàng, cụ thể là:

Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng
Ảnh minh họa

Trong khi các ngân hàng mạnh sẽ càng mạnh hơn, bởi khi không còn bị “ghìm cương”, nhóm ngân hàng top đầu có thể mở rộng tín dụng nhanh, chiếm lĩnh thị phần, thu hút khách hàng tốt hơn. Trong khi các Ngân hàng yếu kém thì buộc phải tái cơ cấu. Và nếu không nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng vốn, giảm nợ xấu thì nhóm ngân hàng yếu sẽ bị thị trường “đào thải” dần dần. Đáng chú ý là nếu bỏ room thì các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, công nghệ và lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng – điều này phần nào sẽ có lợi cho người vay.

Bỏ room tín dụng nhóm những ngân hàng hưởng lợi

Theo đó việc “gỡ nút thắt” room tín dụng các ngân hàng lớn, lành mạnh, quản trị tốt sẽ có cơ hội để tiếp tục bứt phá bởi không còn bị “ghìm cương”. Đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn, nền tảng tài chính vững chắc và chất lượng tín dụng cao được đánh giá là hưởng lợi đầu tiên khi bỏ room tín dụng. Bởi lẽ, khi không còn bị vướng bởi hạn mức tăng trưởng, các ngân hàng này sẽ tận dụng được tối đa tiềm lực về vốn, hệ thống khách hàng và mạng lưới để mở rộng cho vay.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup nhận định: “Bỏ room tín dụng sẽ là chất xúc tác giúp các ngân hàng đầu ngành như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VIB, Techcombank,… tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đồng thời thúc đẩy các ngân hàng nhỏ buộc phải cải tổ nếu muốn cạnh tranh.”

Điển hình như Vietcombank là một trong những ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và luôn nằm trong nhóm được cấp room tín dụng cao nhất hàng năm. Với nền tảng vốn mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp và khách hàng chất lượng, Vietcombank sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng khi cơ chế mở hơn.

Hay một ngân hàng khác là Techcombank, được biết đến với mảng hoạt động mạnh về bán lẻ và hệ sinh thái doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan… Nếu được tự chủ tăng trưởng, Techcombank có thể thúc đẩy dòng vốn nhanh hơn cho hệ sinh thái này.

Ngoài ra còn có những cái tên khác như VIB, HDBank, BIDV: Các ngân hàng này có năng lực tài chính tốt, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều và đã triển khai tốt chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ – đây là một trong tiêu chí quan trọng trong chấm điểm quản trị tín dụng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định: “Nếu không còn cơ chế phân bổ room hành chính, ngân hàng nào làm tốt quản trị rủi ro, đủ năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II/III, tỷ lệ nợ xấu thấp… thì hoàn toàn có thể chủ động tăng trưởng tín dụng, từ đó tạo ưu thế cạnh tranh. Tôi đánh giá cao những ngân hàng như Vietcombank đây là những đơn vị luôn tuân thủ chuẩn mực cao, hiệu quả kinh doanh tốt.”

Thách thức lớn với những ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, bị kiểm soát đặc biệt, tệp khách hàng mỏng

Mặc dù việc bỏ trần room tín dụng được xem là cú hích lớn cho ngành ngân hàng, nhưng không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng bước vào cuộc chơi theo cơ chế thị trường. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tổ chức lo ngại, một bộ phận ngân hàng yếu kém về vốn, quản trị rủi ro hoặc đang trong diện giám sát đặc biệt sẽ không thể tận dụng cơ hội, thậm chí bộc lộ thêm rủi ro, từ đó bị co cụm hoặc bị buộc phải tái cấu trúc.

Theo đó, trong bức tranh lạc quan đối với những ngân hàng có vốn hóa lớn, nền tảng tài chính vững chắc và chất lượng tín dụng cao được đánh giá là hưởng lợi đầu tiên khi bỏ room tín dụng. Thì ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có chất lượng tài sản yếu, tỷ lệ nợ xấu cao, bị kiểm soát đặc biệt hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu sẽ gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng khi bỏ cơ chế room tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Trung – Chuyên gia phân tích VDSC: “Khi không còn room tín dụng được phân bổ từ Ngân hàng Nhà nước, những ngân hàng yếu sẽ không còn ‘phao cứu sinh’ mỗi khi cần mở rộng dư nợ. Thị trường sẽ không còn che chở mà buộc các ngân hàng tự bộc lộ năng lực thực tế. Đó là một phép thử sinh – tử.”, “Các ngân hàng đang bị giám sát đặc biệt hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu giống như SCB sẽ tiếp tục bị kìm hãm tăng trưởng, vì bản thân họ không đáp ứng được chuẩn quản trị, vốn và minh bạch để được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng.”

Theo Giám đốc đầu tư, một quỹ ngoại tại TP.HCM: “Các ngân hàng như PG Bank, VietABank hay SaigonBank hiện vẫn đang thiếu hụt nguồn vốn, không có hệ sinh thái rõ ràng và mức độ chuyển đổi số gần như đứng ngoài cuộc đua. Nếu không sáp nhập được vào các ngân hàng lớn, tôi e rằng họ sẽ dần mất thị phần.”

Theo đó, việc bỏ room tín dụng không giúp các ngân hàng này tự do tăng trưởng vì bản thân đang bị hạn chế bởi chính năng lực tài chính và rủi ro cao. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp như PGBank, VietABank, Nam Á Bank, OCB… có hệ số CAR tiệm cận mức tối thiểu. Đồng thời là các ngân hàng bị thanh tra, giám sát chặt vì vi phạm quy định. Trong đó đáng chú ý là một số ngân hàng bị phát hiện vi phạm chuẩn mực cho vay, sở hữu chéo, hoặc có biểu hiện bị thao túng sẽ bị giám sát đặc biệt chứ không được “thả nổi” theo quy luật thị trường.

Ông Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nêu: “Rất đáng lo ngại nếu có ngân hàng chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá sau khi room bị dỡ bỏ, nhưng lại thiếu năng lực kiểm soát rủi ro. Trong số đó, nhiều ngân hàng nhỏ đang có tỷ lệ cho vay bất động sản cao, nợ xấu tiềm ẩn lớn và bị chi phối bởi nhóm cổ đông thao túng.”, “Những ngân hàng có tỷ lệ LDR (tín dụng/huy động) cao bất thường, CAR thấp, chưa triển khai Basel II đầy đủ – thì không nên cấp phép tăng trưởng mạnh dù đã bỏ room. Họ sẽ gặp khó không chỉ từ quy định mà cả từ thị trường và nhà đầu tư.”

Theo đó, dù bỏ room tín dụng là cần thiết, song để chính sách này phát huy hiệu quả tích cực và không tạo ra hệ lụy, cần chú trọng việc tăng cường giám sát chất lượng tín dụng cần chặt chẽ hơn bao giờ hết; Tăng cường giám sát theo tiêu chí định lượng, công khai như nợ xấu, CAR, hệ số LDR, khả năng sinh lời, khả năng quản trị rủi ro… để làm cơ sở cho thanh tra giám sát và kiểm soát. Đặc biệt là vấn đề minh bạch hóa và hạn chế thao túng, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng.

Như vậy, việc bỏ room tín dụng là một bước ngoặt chính sách lớn, mở đường cho các tổ chức tín dụng hoạt động theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, chỉ những ngân hàng thực sự lành mạnh, có nền tảng tài chính và quản trị tốt mới có thể tận dụng cơ hội này để bứt phá. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng yếu sẽ phải đối mặt với sức ép phải cải tổ, nâng cao năng lực hoặc sáp nhập, hợp nhất nếu muốn tồn tại./.

Nguồn:Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng

Hải Bình

thuongtruong.com.vn