Thêm cơ hội cho phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo

10:40 | 20/06/2022

|
Ngày 16-6, với 93,78% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nghị quyết gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022 và được thực hiện trong 5 năm...

Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giam giữ giải quyết khó khăn trong thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay, thêm cơ hội cho các phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo để làm lại cuộc đời.

Đáp ứng nguyện vọng của “người trong cuộc”

Biết tin nghị quyết được thông qua, nhiều phạm nhân ở Trại giam Thanh Phong, nhất là những phạm nhân trong diện đủ điều kiện được đưa ra ngoài lao động, rất vui mừng.

Trại giam Thanh Phong nằm ở khu vực đồng chiêm trũng thuộc tỉnh Thanh Hóa mà dân gian thường có câu ví “được mùa Nông Cống, sống mọi nơi” để nói về những khó khăn của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Do điều kiện tự nhiên nên việc sản xuất nông nghiệp của Trại không đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, nhu cầu liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho phạm nhân là vấn đề rất cấp thiết ở đây.

Thêm cơ hội cho phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo
Trại giam Ngọc Lý phối hợp với Đoàn thanh niên và Trung tâm dịch vụ việc làm hướng nghiệp cho phạm nhân.

Đại tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết, trong khu vực có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng phù hợp với trình độ, khả năng làm việc của phạm nhân và sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất để hợp tác. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế nên việc này chưa thực hiện được, nay nghe tin Quốc hội đã cho phép thực hiện thí điểm, một số doanh nghiệp đã liên hệ với Ban Giám thị để được hợp tác. Ban Giám thị sẽ tổ chức lựa chọn các phạm nhân đủ điều kiện để khi nghị quyết có hiệu lực, có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và Bộ Công an thì sẽ thực hiện ngay.

Được biết, trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nông Cống hiện nay đang rất thiếu lao động phổ thông vì công việc đơn giản không phát triển được tay nghề, công nhân thường chỉ làm thời vụ, không muốn gắn bó lâu dài, hay nghỉ việc. Tuy nhiên, đối với các phạm nhân thì đây lại là những công việc phù hợp vì cần sự tỉ mỉ, lại không đòi hỏi kỹ thuật cao nên họ có thể dễ dàng học và làm được.

Ở Trại giam Vĩnh Quang, nơi trước năm 2019 từng được thí điểm liên kết với doanh nghiệp để tổ chức lao động cho phạm nhân, sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực, việc thí điểm này không được phép nên công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi nghị quyết được thông qua sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tổ chức lao động cho phạm nhân được thuận lợi hơn.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết: "Điều quan trọng là những doanh nghiệp liên kết, hợp tác với trại giam trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam cam kết, các phạm nhân sau khi hết án, đã được đào tạo nghề ở cơ sở của họ, nếu có nhu cầu làm việc tại doanh nghiệp, họ sẵn sàng nhận lại. Thực tế bây giờ, công dân bên ngoài, tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp kiếm công ăn việc làm còn khó... Ở đây, do doanh nghiệp chung tay với trại giam, trong quá trình đào tạo nghề cho phạm nhân, họ thấy được quá trình phạm nhân chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, mong muốn hoàn lương thì mới dám nhận. Cái đó đã tháo gỡ cho chúng tôi rất nhiều trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Trên thực tế, thời gian trước năm 2019 khi Trại được phép liên kết lao động, nhiều phạm nhân sau khi hết án đã được doanh nghiệp nhận lại làm việc có thu nhập ổn định đời sống”.

Thêm cơ hội cho phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo
Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân lao động trong trại giam.

Từng thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, anh Phạm Văn Hồng, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc rất hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi có việc làm ổn định ở doanh nghiệp Tùng Phương - doanh nghiệp từng liên kết với Trại giam Vĩnh Quang tổ chức cho phạm nhân lao động làm chậu cây cảnh. “Tôi bị tù 27 tháng, khi ở nhà chỉ biết làm nông nghiệp, khi được Trại chọn đi học nghề làm chậu cây cảnh, tôi thấy rất mừng. Chỉ sau gần 1 tháng học việc, tôi đã làm thành thạo. Sau khi hết án, tôi được doanh nghiệp nhận làm việc, thu nhập ổn định nên tôi thấy rất may mắn” - anh Hồng cho biết.

Còn phạm nhân Đặng Đình Hiếu, trú ở xã Quảng Tân, Tuy Đức, Đắc Nông, đang thi hành án tại Trại giam Đắk Tân - là một trong những người đủ điều kiện được tham gia lao động khi Trại hợp tác với doanh nghiệp đã bày tỏ rất vui mừng khi Nghị quyết được thông qua. Khẳng định sẽ chấp hành nội quy, quy định của trại giam nếu được ra ngoài lao động, phạm nhân Đặng Đình Hiếu cho biết: “Được ra lao động bên ngoài, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với xã hội để khi về cộng đồng tái hòa nhập dễ hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi được trả công lao động, có vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống. Nếu được ra ngoài lao động, tôi hứa chấp hành nội quy phải nghiêm túc hơn. Chúng tôi nói với nhau, anh em phải cố gắng chấp hành tốt quy định, không bao giờ có ý nghĩ vi phạm nội quy, chỉ mong cải tạo tốt để sớm làm lại cuộc đời”.

Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện

Nói về chuẩn bị cho công tác bảo đảm an ninh khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám thị Trại giam Đắk Tân cho biết, là đơn vị đóng quân ở vùng sâu vùng xa, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt máy móc, thiết bị trong trại giam rất khó. Nếu được phép phối hợp với doanh nghiệp đưa phạm nhân ra ngoài lao động, trại sẽ chấp hành nghiêm quy định. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động... theo đúng quy định của pháp luật.

“Sau khi ký kết hợp tác, doanh nghiệp phải bàn giao cho chúng tôi toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. cán bộ, chiến sĩ trại giam trực tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật”, Đại tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu đưa phạm nhân ra lao động thì đơn vị phải bố trí đủ cán bộ như một phân trại phạm nhân gồm cán bộ bảo vệ, cán bộ giáo dục, cán bộ trực trại, cán bộ quản giáo... đảm bảo các phạm nhân dù lao động bên ngoài cũng được quản lý, giáo dục như bên trong trại giam.

Thiếu tướng Trần Văn Thiện - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, theo quy định, doanh nghiệp phải xây dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động...

Sau khi ký kết hợp tác, các doanh nghiệp phải bàn giao cho trại giam toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. Cán bộ, chiến sĩ trại giam trực tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. “Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với trại giam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn” - Thiếu tướng Trần Văn Thiện nhấn mạnh.

Thêm cơ hội cho phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo
Phạm nhân tham gia biểu diễn văn nghệ.

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện hiệu quả khi nghị quyết có hiệu lực, Bộ Công an đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng nghị định của Chính phủ do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban. Ban soạn thảo đã họp phiên thứ nhất, đã trình dự thảo nghị định để xin ý kiến các cơ quan chức năng lần thứ nhất; hiện đang hoàn thiện lại dự thảo để xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan liên quan lần thứ hai...

Theo nghị quyết, trại giam có trách nhiệm quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Kế hoạch hợp tác giữa trại giam với tổ chức trong nước do cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.

Đối tượng không được đưa ra ngoài lao động

Theo nghị quyết, các trường hợp sau không được đưa ra ngoài lao động: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; đã bị kết án từ 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm; là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng; có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm; là người nước ngoài; đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; dưới 18 tuổi và từ đủ 60 tuổi trở lên; đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại “Kém”; đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc...

Nguồn: Thêm cơ hội cho phạm nhân được học tập, lao động, cải tạo

Phương Thủy

antgct.cand.com.vn