Cần Thơ: Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố

Thực hiện “mục tiêu kép” Tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

17:12 | 28/08/2021

|
Hôm qua, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 2 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2021) của HÐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021. Báo Cần Thơ giới thiệu tóm tắt nội dung phát biểu của đồng chí
Thực hiện “mục tiêu kép” Tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố

Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Cần Thơ, là năm đầu nhiệm kỳ thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt nền móng cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, thành phố cần phải xây dựng kịch bản, phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trong 4 tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tính đến trưa ngày 27-8, thành phố có 3.971 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó đã điều trị khỏi 2.407 ca và 53 trường hợp tử vong. Qua hơn 40 ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự chủ động, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, hợp lực của toàn dân tham gia thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh với quy mô chưa từng có trong tiền lệ. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc chi ngân sách gần 500 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch, thành phố đã nhận rất nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên khắp cả nước chung tay tiếp sức cho thành phố trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội. Ðến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, số ca mắc ngoài cộng đồng có xu hướng giảm, các vùng xanh được thiết lập ngày càng nhiều; công tác tổ chức cách ly, ngăn ngừa lây lan nguồn bệnh và thực hiện điều trị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của ngành Y tế. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Hiện nay, thành phố đã tiêm trên 254.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, người lao động và người dân trên địa bàn thành phố, đạt tỷ lệ 19,8% trên tổng dân số. Thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm chủng theo số liều được phân bổ đảm bảo nhanh chóng, an toàn, công khai, minh bạch theo quy định; đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức để có nhiều nguồn vắc-xin tiêm ngừa cho tất cả các nhóm đối tượng nhằm sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Về công tác hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19, thành phố triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng với dự trù kinh phí trên 300 tỉ đồng cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Kết quả: đối với nhóm chính sách bảo hiểm xã hội (gồm chính sách 1, 2, 3) đến nay có trên 3.600 người sử dụng lao động và trên 76.700 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 37,2 tỉ đồng; đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt (gồm chính sách 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12) đã hỗ trợ cho hơn 9.300 trường hợp với số tiền trên 9,1 tỉ đồng; đối với nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11): Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ đã thẩm định 2 hồ sơ của 2 doanh nghiệp với số tiền vay 906 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 227 lao động. Ngoài ra, UBND thành phố đã đề nghị các tổ chức tín dụng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn; đề nghị Ðiện lực thành phố, các công ty cấp nước hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tăng cường vận động xã hội hóa cho Quỹ vắc-xin, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn.

Sau khi được HÐND thành phố thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ, UBND thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện chi hỗ trợ đến các đối tượng bị ảnh hưởng kịp thời, đầy đủ.

Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố có bước khởi sắc và phục hồi so với năm 2020. Tuy nhiên, với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 và đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của tất cả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động rất lớn, số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ đều dừng hoạt động; số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động trên 95%, chỉ còn khoảng 5% doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 5,61%, đứng thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (đứng sau TP Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội), đây là một sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. Tuy nhiên, với kế hoạch đặt ra cho cả năm mức tăng trưởng là 7,57%, đây thực sự là một thách thức rất lớn trong điều kiện dịch bệnh còn rất phức tạp, đặc biệt nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước còn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có TP Cần Thơ. Dự báo kinh tế của cả nước, cũng như của TP Cần Thơ trong 4 tháng cuối năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn và khả năng thành phố sẽ khó đạt được các chỉ tiêu chủ yếu đề ra, đặc biệt là vấn đề thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Ðược sự thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy về Kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thành phố những tháng cuối năm 2021 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, điều hành với nỗ lực cao nhất để đạt được kết quả tốt nhất.

Các nhóm vấn đề lớn khác được đại biểu HÐND thành phố và cử tri quan tâm như: hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng dịch COVID-19; giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh; kế hoạch dạy và học năm học mới; công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác về quản lý đất đai, vệ sinh môi trường; giải pháp thu hoạch và tiêu thụ nông sản... UBND thành phố nghiêm túc tiếp thu và đưa vào Chương trình công tác để cụ thể hóa thành các giải pháp triển khai thực hiện.

Trong 4 tháng cuối năm 2021, UBND thành phố xác định là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, có các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng như: tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường quản lý về đầu tư xây dựng; nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, thực hiện tốt chính sách thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án…

Nguồn: Thực hiện “mục tiêu kép”, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

Anh Khoa