Tin ngân hàng ngày 13/12: Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022

11:33 | 13/12/2022

|
Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; VPBank lọt top 20 cổ phiếu có tính phát triển bền vững tốt nhất… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 12/12: VIB giảm lãi suất cho khách vay kinh doanhTin ngân hàng ngày 12/12: VIB giảm lãi suất cho khách vay kinh doanh
Tin ngân hàng ngày 10/12: NHNN giảm giá bán USD lần thứ 4 liên tiếpTin ngân hàng ngày 10/12: NHNN giảm giá bán USD lần thứ 4 liên tiếp

Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022

Vừa qua, Agribank đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu số 345/GCN-UBCK, theo đó, trái phiếu Agribank được chào bán ra công chúng năm 2022 với các nội dung sau:

Mã trái phiếu: AGRIBANK223001; Mệnh giá trái phiếu: 100.000 đồng/trái phiếu.

Tổng giá trị phát hành: 10.000 tỷ đồng; Kỳ hạn trái phiếu: 8 năm; Trả lãi định kỳ 01 năm một lần.

Tin ngân hàng ngày 13/12: Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022
Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 1,6%/năm vào 5 năm đầu và 3,1%/năm vào 3 năm cuối.

Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có thể đăng ký mua trái phiếu Agribank từ ngày 10/12/2022 đến ngày 29/12/2022 tại Trụ sở chính và tất cả các điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc và thông qua đại lý phát hành Agriseco - Công ty cổ phần chứng khoán Agribank.

Mục đích Agribank chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Agribank là một trong các Ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng, có mạng lưới rộng lớn hàng đầu với gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp mọi vùng, miền, huyện đảo cả nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Agribank đạt 1,7 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người dân Agribank là một trong những ngân hàng luôn tiên phong thực hiện hỗ trợ miễn giảm lãi, phí nhiều cho khách hàng, doanh nghiệp. Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ

Ngày 12/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức lễ công bố và trao Quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN. Thời hạn giữ chức vụ của ông Phạm Chí Quang là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

Trước đó, ông Phạm Chí Quang đã được NHNN giao phụ trách điều hành công việc của Vụ Chính sách tiền tệ kể từ ngày 15/11/2021.

Là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, Vụ Chính sách tiền tệ có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc xây dựng chính sách tiền tệ Quốc gia và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo quy định của pháp luật.

Mới đây, NHNN cũng đã bổ nhiệm ông Phạm Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

Ông Phạm Anh Tuấn giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN kể từ ngày 01/12/2022. Thời hạn giữ chức vụ của ông Phạm Anh Tuấn là 05 năm kể từ ngày được tiếp nhận, bổ nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại:

- Xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.

- Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.

- Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12/2022 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay.

VPBank lọt top 20 cổ phiếu có tính phát triển bền vững tốt nhất

Đánh giá xếp hạng Phát triển Bền vững của Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HSX) một lần nữa ghi nhận những nỗ lực của VPBank trong hoạt động xây dựng và củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và toàn diện, trải dài từ chính sách về môi trường và xã hội, tới thực hành quản lý, chỉ số hiệu suất, và quản trị doanh nghiệp.

Tin ngân hàng ngày 13/12: Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022
VPBank lọt top 20 cổ phiếu có tính phát triển bền vững tốt nhất/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, điểm số đánh giá ESG tổng hợp của VPBank trong kỳ đánh giá năm 2022 đạt 83%, cải thiện 4 điểm phần trăm so với năm 2021, với các hạng mục Môi trường đạt 85%, Xã hội 92% và Quản trị 78%.

Tổng điểm các hạng mục gia tăng qua từng năm cho thấy sự cải thiện rõ nét của ngân hàng khi chủ động nhìn nhận và khắc phục các tồn tại từ những kỳ đánh giá trước trên các tiêu chí về chính sách, hệ thống quản lý, chỉ số hiệu suất, quyền cổ đông, công bố và minh bạch thông tin….

Điểm số ESG trong các hạng mục của VPBank như vậy đã vượt xa điểm số trung bình ngành (Môi trường 48%, Xã hội 71% và Quản trị 70%) và điểm trung bình của các công ty niêm yết thuộc VN100 (Môi trường 57%, Xã hội 69% và Quản trị 68%).

Được biết, Bộ chỉ số VNSI được HSX triển khai vận hành từ tháng 7/2017 nhằm đánh giá hoạt động phát triển bền vững tại các công ty niêm yết và đo lường hiệu suất đầu tư bền vững trên thị trường chứng khoán. Việc đánh giá hoạt động này được thực hiện dựa trên các nguồn thông tin công bố rộng rãi và do công ty cung cấp qua Bảng câu hỏi khảo sát Phát triển bền vững được xây dựng dựa trên nền tảng GRI Standards của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu, Các Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD năm 2015, Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất 2019 và một số quy định pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam.

Chỉ số giá VNSI tại ngày 18/11/2022, theo công bố của HSX, đạt 1.523,89 điểm, tăng 51,58% so với giá trị khởi điểm. Giá trị vốn hóa thị trường của 20 công ty có cổ phiếu trong danh mục VNSI đạt trên 1 triệu tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), chiếm gần 27% tổng giá trị vốn hóa thị trường. VPBank, theo đó, là 1 trong 5 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất nằm trong bộ chỉ số nói trên, bên cạnh các tên tuổi lớn Vingroup, Vinamilk, VietinBank và FPT.

Giá trị vốn hóa của VPBank tại ngày 9/12/2022 đạt 112.781,8 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng mới đây đã tăng lên 67.434 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 13/12: Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn